Mẹ lười - khái niệm xa lạ với "mẹ truyền thống", khái niệm dễ bị phản ứng. Nhưng để trở thành một "mẹ lười" đúng nghĩa, bạn phải thực sự thấy sự cần thiết trong quá trình phát triển của con trẻ.

Để làm một bà mẹ lười, cần lắm sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm. Bởi vì cách bọn trẻ làm sẽ không hoàn hảo đâu (ít nhất là lúc đầu), thay vì thế chúng sẽ tạo ra những đống lộn xộn, bừa bãi, các món đồ sẽ cong queo hay bị xáo trộn, nhiều cốc chén bát sẽ vỡ. Rồi bất cứ việc gì chúng làm sẽ kéo dài gấp 4 lần thời gian so với việc bạn tự làm. Và đôi khi vì quá mềm lòng, nên khi thấy con chật vật mãi không xong, chúng ta muốn xắn tay vào giúp ngay - chúng ta muốn cuộc đời dễ dàng hơn chút với trẻ!

Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống ngoài kia không dễ dàng chút nào, nó cực kỳ khắc nghiệt. Bạn đang tạo ra những rào cản lớn với sự trưởng thành của con bằng cách không cho phép chúng được chật vật cố gắng để vượt qua từ những việc nhỏ trong nhà hằng ngày.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về lý thuyết, có vẻ như mẹ càng lười thì con sẽ càng tự lập. Nhưng trên thực tế, mẹ chỉ “lười” làm thay phần việc của con, và vẫn phải “siêng” ở bên cạnh giám sát, chỉ dẫn, cung cấp kiến thức thường thức, đồng thời “nghiệm thu khi công trình hoàn thành”.

Tính ra, còn vất vả hơn khi mình tự tay làm mọi việc. Nhưng đổi lại, con sẽ ý thức được việc nhà và trách nhiệm của mình đối với gia đình, học được các kỹ năng để xử lý tình huống, giỏi giang, tháo vát, và trưởng thành hơn.

Sự "lười biếng" của người mẹ không đồng nghĩa với nằm dài trên ghế sofa cả ngày và bỏ mặc con. Triết lý dạy con của mẹ lười là đôi khi bạn nên nghỉ tay và để đứa trẻ bảy tuổi tự chuẩn bị một số món ăn nhằm cải thiện kỹ năng vận động tinh. Nó cũng có nghĩa rằng bạn hãy nhờ con lau sàn, rửa chén phụ bố mẹ, dù có thể phải tự lau dọn lại thêm lần nữa vào một lúc khác khi con không nhìn thấy.

Về cơ bản, phương pháp nuôi dạy con này trái ngược với việc bao bọc thái quá.

Đa số các bà mẹ nội trợ đã quen vén khéo việc nhà, đảm đương mọi chuyện từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, và không để con cái phải đụng tay đụng chân dù con đã đến tuổi tự lo liệu những nhu cầu cá nhân. Mẹ lười không làm như vậy.

Có thể là mẹ xót con, cũng có thể là mẹ không tin tưởng vào khả năng tự lập của trẻ, nhưng đây có lẽ là điều đáng được khuyến khích. Bởi một khi mẹ chăm chỉ việc nhà và gánh hết vất vả về mình, mẹ đã vô tình khiến mình trở nên “lười biếng” trong việc dạy con tự lập, có ý thức và trách nhiệm với những nhu cầu của cuộc sống.

Khi con trở nên ỷ lại, dựa dẫm, thậm chí là vô tâm trước những nhọc nhằn của mẹ, liệu mẹ có vui trước một “sản phẩm lỗi” do chính sự hy sinh không cần thiết của mình tạo ra? Và đó là lý do những bà mẹ lười lại có con sớm trưởng thành.

Mẹ lười bằng cách nào? Dưới đây là những nguyên lý bạn cần nắm vững khi bắt đầu "lười" với con:

- Phân công trách nhiệm cho con

- Giao cho con việc nhất định

- Khuyến khích con tự quyết định

- Để con tự hoàn thành các công việc ở trường

- Cho con tự ra ngoài một mình

- Trẻ em cần được "vấp ngã" để tự lập hơn

Nguồn: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tai-sao-me-luoi-thi-con-nen-nguoi-20190614103739685.htm

Theo báo Gia đình & xã hội