Do đó, nhiều người lựa chọn mua nhà tập thể cũ “ở tạm” để chờ nhà mới.

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, từ giữa năm ngoái, lượng người quan tâm đến các căn hộ tập thể cũ đột nhiên tăng 25% so với thời điểm trước. Nguyên nhân được lý giải là do sự sụt giảm nguồn cung căn hộ có giá trung bình và thấp tại Hà Nội. Các dự án ở gần trung tâm phần lớn thuộc phân khúc cao cấp, có mức giá từ 40 triệu đồng/m2 trở lên.

Các sàn giao dịch bất động sản cho biết, với khoảng 1,5 tỷ đồng, các hộ gia đình có thể mua được một căn chung cư mới cách nội thành khoảng 15km trở lên. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại chọn mua căn hộ tập thể cũ ở nội thành.

“Nhà mình có con nhỏ nên việc thuận tiện cho đi lại, gần nhà, gần trường, gần chỗ làm việc là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Vì vậy, với số tiền này dù ra ngoại thành có thể mua được căn hộ rộng hơn, thoáng đãng hơn nhưng vợ chồng mình chọn mua căn nhà chung cư cũ”, chị Thanh Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Dù cũ kỹ, chật chội nhưng chung cư cũ vấn hút khách. 

Nhiều người có nhu cầu mua các căn hộ thuộc khu chung cư hay tập thể cũ tại Hà Nội đa số đều có chung một quan điểm là mua về chờ được cải tạo, xây mới hoặc có thể đổi được sang căn hộ đẹp hơn mà nếu ở vị trí đó, với số tiền đó, sau này khó có thể mua được.

“Thực ra diện tích trên sổ đỏ của các căn hộ tập thể cũ thường chỉ từ 35-45m2, nhưng sau khi cơi nới, diện tích sử dụng có thể lên tới 60-70m2, đáp ứng nhu cầu của một gia đình 4 người. Mức giá 1,8 tỷ đồng cho diện tích này tại Ba Đình tôi cho là phù hợp”, anh T (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết và khẳng định thêm, nhà tập thể cũ khó có thể rớt giá nhờ vị trí đắc địa. Do đó, ngoài việc mua để ở, nếu bán được giá, gia đình anh sẽ sang nhượng và mua căn khác. Đặc biệt, nếu khu chung cư được cải tạo, rất có thể gia đình anh sẽ được cấp nhà mới hoặc đền bù với giá hấp dẫn.

Không khó để tìm mua các căn hộ chung cư cũ.

Hà Nội hiện đang có khoảng 1.500 căn hộ tập thể cũ, trong đó có 42 nhà thuộc diện nguy hiểm, 2 nhà nguy hiểm cấp độ D (mức cực kỳ nguy hiểm), 39 nhà ở cấp độ C và 1 nhà cấp độ B. 

Theo các chuyên gia, khi tìm mua các chung cư cũ, khách hàng cần quan tâm đến các yếu tố: Thứ nhất là độ an toàn của chung cư, thứ hai là yếu tố pháp lý, thứ ba là diện tích trên sổ đỏ và diện tích sử dụng thực tế để tránh những tranh chấp sau này. Bởi phần diện tích không ghi trong sổ đỏ, tất cả hầu hết là phần lấn chiếm không gian chung hoặc cơi nới, chiếm dụng hành lang, lối đi, nhà vệ sinh chung... Điều này, nếu không tìm hiểu kỹ, sẽ phát sinh rất nhiều những rắc rối không đáng có về sau.

Bên cạnh đó, việc sở hữu nhà tập thể cũ cũng mang tới những vấn đề khó khăn cho chủ nhà. Dù tiện cho việc đi lại nhưng lại bất tiện trong sinh hoạt và nhiều yếu tố khác. Không chờ được cải tạo, trên thực tế, có rất nhiều chủ sở hữu căn hộ, nhà tập thể cũ khi sống một thời gian tại đây và mong muốn tự cải tạo lại. Tuy nhiên, khi có đủ điều kiện tài chính để cải tạo thì việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ các công trình xung quanh đều xuống cấp nên việc cải tạo không đồng bộ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của nhà tập thể.

Với những người mua nhà tập thể, việc họ muốn xây căn nhà mới trên đất cũ cũng không phải điều dễ dàng bởi xây nhà theo đúng diện tích trong sổ đỏ, sửa căn hộ tập thể cũng cần được sự cấp phép của chính quyền. Những điều đó khiến việc cải tạo gặp khó khăn và nếu tình trạng xuống cấp trầm trọng hơn, việc bán lại ở thời điểm này càng trở nên khó. Do đó, cũng cần cân nhắc khi lựa chọn mua nhà tập thể để sinh sống. 

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, thời điểm hiện tại không nên lướt sóng phân khúc này, hoặc “ôm” nhà tập thể để chờ giải tỏa bởi việc cải tạo chung cư cũ đang bế tắc như “húc đầu vào đá”. Nhà đầu tư khi “lướt sóng” phân khúc này chắc chắn sẽ sống trong cảnh chật vật, chờ đợi đến lượt khu nhà mình được giải tỏa. Đó là chưa kể tới các yếu tố khách quan khác, như quy hoạch thay đổi, cơ chế, chính sách có sự chỉnh sửa. Trường hợp lướt sóng nhiều còn có thể đẩy giá nhà lên cao so với giá trị thực tế, rất nguy hiểm cho thị trường.

“Trong mấy năm trở lại đây, mặc dù có chủ trương nhưng theo thống kê của TP. Hà Nội, đến nay mới chỉ có 1% nhà được cải tạo và còn 99% vẫn đang vướng mắc về quy định pháp luật và lợi ích của người dân, nhà đầu tư.

Do đó, người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền mua loại sản phẩm này, vì không biết khi nào mới có nhà mới và những diện tích cơi nới là hoàn toàn sai với quy định của pháp luật”, một chuyên gia bất động sản cho hay.

Theo Reatimes