Văn bản nêu rõ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng các sở, ngành, gồm: Quy hoạch Kiến trúc, TN&MT, KH-ĐT, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Công an TP và UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND TP thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 1203/2021/KH-BCĐNƠ &TTBĐS của Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS).
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính: Tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế về lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, khắc phục các chồng chéo giữa các luật. Đặc biệt cải cách thủ tục đầu tư, tháo bỏ các rào cản, vướng mắc, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo chỉ đạo của Chính phủ; Chỉ đạo công tác xây dựng phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội; Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn; Phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung - Đồng bằng Sông Cửu Long; Người nghèo, thu nhập thấp tại đô thị; Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, chỉ đạo quản lý, điều hành thị trường BĐS gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chỉ đạo, thực hiện tốt Chỉ thị số 11/2019/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ; tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở; Lập, phê duyệt, công bố Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị mới có bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về nhà ở, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, cũng như chuyển tiền thu được ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế.
Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án BĐS chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ hoặc thu hồi dự án; Đôn đốc việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tỉnh hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng BĐS trên địa bàn.
Trước đó, Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS đã ban hành Văn bản số 1203/2021, ngày 12/4/2021 về thực hiện chính sách về nhà ở, thị trường BĐS và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các Chương trình về chính sách nhà ở và thị trường BĐS và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn năm 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2040; Bảo đảm hoàn thành các mục tiêu về chính sách nhà ở và thị trường BĐS của các bộ, ngành, địa phương năm 2021; Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia; Tăng cường trách nhiệm của các thành viên, bộ, ngành và địa phương liên quan; Nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách về nhà ở và thị trường BĐS.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tang-cuong-trien-khai-chinh-sach-ve-nha-o-va-thi-truong-bds-20201231000001935.html