Ngày 27/09/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chấp thuận việc sửa đổi nội dung về mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) từ 4.474 tỷ đồng lên 7.328 tỷ đồng.

 Trong vòng 5 năm qua (2012 - 2017) dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần, đạt 1,1 triệu tỷ đồng. Từ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng đã chiếm 18% vào năm 2017.

FE Credit tăng vốn điều lệ lên hơn 7000 tỉ đồng

FE Credit tăng vốn điều lệ lên hơn 7000 tỉ đồng

Theo thống kê của Stoxplus, FE Credit hiện đang dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với gần 50% thị phần vào cuối năm 2017 với các nhóm sản phẩm dịch vụ chủ đạo như vay tiền mặt, vay mua xe máy trả góp, vay mua hàng điện máy gia dụng trả góp, thẻ tín dụng…

Vốn được coi như là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng mẹ là VPBank, đợt tăng vốn lần này của FE Credit cũng nằm trong chiến lược tăng vốn nhằm đạt kế hoạch lợi nhuận khủng của nhà băng này. Theo Ban lãnh đạo VPBank, năm 2018 là năm mở đầu cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2018-2022), VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 tiếp tục tăng 33% lên mức 10.800 tỷ đồng. 

Để thực hiện mục tiêu này, năm 2018 VPBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 12.000 lên gần 28.000 tỷ đồng, trong đó có 3.000 tỷ đồng được dành để tăng vốn cho FE Credit. Trước đó, năm 2017, VPBank cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ của FE Credit lên 4.474 tỷ đồng.

 Động thái tăng vốn lần này được giới chuyên gia đánh giá là sẽ giúp FE Credit đạt được nhiều mục tiêu chính. Trong đó, mục tiêu đầu tiên có thể kể đến chính là việc giúp công ty tài chính này tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trên thị trường.

Trên thực tế, thời gian qua, FE Credit đã liên tục cải thiện nguồn vốn của mình nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và củng cố thị phần tài chính tiêu dùng của công ty.

Thậm chí, FE Credit là một trong số ít những công ty tài chính trên thị trường đã tận dụng được lợi thế từ các tổ chức nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm quản trị nguồn vốn hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, công ty này đã vay và được giải ngân khoảng 350 triệu USD từ các tổ chức tài chính uy tín nước ngoài như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Hơn nữa, việc tăng mạnh nguồn vốn cũng sẽ góp phần giúp FE Credit hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh, duy trì được đà tăng trưởng, phát triển bền vững. Đồng thời, gián tiếp hỗ trợ khách hàng hưởng lợi nhờ lãi suất cho vay cạnh tranh hơn và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Kalidas Ghose, Tổng Giám Đốc FE Credit cho biết: “Việc tăng vốn điều lệ này nhằm đẩy mạnh các chiến lược phát triển kinh doanh để tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu của FE Credit, tạo điều kiện giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn các nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng của FE Credit sẽ được tiếp cận vốn “đã nhanh còn dễ” và các đối tác của chúng tôi cũng được tạo điều kiện phát triển tốt hơn”.

 Ở Việt Nam, so sánh giữa các công ty tài chính, FE Credit có lợi thế của "người đi đầu" trong lĩnh vực này nhưng trong cuộc cạnh tranh chắc chắn sẽ không tránh khỏi những “cuộc chạm trán” trực tiếp với các công ty mới ra đời với điều kiện cho vay nới lỏng hay lãi suất hấp dẫn hơn...

Tuy nhiên, với nguồn vốn điều lệ sau khi tăng lần này sẽ tác động tích cực đến hoạt động của công ty cũng như góp phần nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; củng cố nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất; đảm bảo tiền đề tăng trưởng an toàn, bền vững; đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, việc FE Credit cũng như những công ty tài chính liên tục tăng vốn trong thời gian qua là động thái tích cực và cũng có nguyên nhân của nó. “Một là, tín dụng tiêu dùng phát triển tương đối nhanh trong những năm vừa qua, việc tăng vốn trong thời gian qua của công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu đó. Đồng thời để đáp ứng quy chuẩn về năng lực tài chính và quản lý rủi ro với các công ty tài chính”, ông Lực nói.

Ông Lực nhấn mạnh: “FE Credit tăng vốn là cần thiết, giúp họ tăng năng lực tài chính, giảm bớt rủi ro về năng lực vốn. Mặt khác cũng giúp tăng tín nhiệm với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giúp FE Credit huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, tăng khả năng cho vay với khách hàng. Công ty tài chính tốt lên thì quan hệ của người dân với họ cũng tốt hơn bởi rủi ro của họ giảm”.

Hiện tại FE Credit phối hợp với hơn 8.400 đối tác tại gần 12.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, phục vụ gần 10 triệu khách hàng giải quyết được khó khăn về tài chính và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, FE Credit cũng giúp giải quyết công việc, đảm bảo đời sống cho hơn 15.000 nhân viên cùng nhiều nhân sự có liên quan đến hoạt động của công ty.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới