Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc, chu kỳ kinh doanh sắp kết thúc và nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mới trong 1, 2 năm tới đây, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định...

Đây là nhận định của ông Vladimir Mazyrin - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. 

Cụ thể, ông Mazyrin dẫn số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP của Việt Nam tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, mới đây, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc và lên thứ hạng 67, vượt trước cả Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới.

Theo ông, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã cải thiện được tất cả các chỉ số mà Diễn đàn Kinh tế thế giới sử dụng để đánh giá về năng lực cạnh tranh so với năm trước.

Ông Mazyrin cho rằng Việt Nam cũng là một tấm gương với rất nhiều quốc gia, là nước có sự ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền quốc gia ổn định. Trong khi đồng tiền quốc gia của những nước khác giảm giá tới 10% so với cuối năm 2018, tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD chỉ giảm 0,1%.

Ông Mazyrin nhận định bí quyết chính của sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở Việt Nam là nhờ chính sách của Việt Nam đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông nêu bật những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đó là tăng cường các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục xác minh, triển khai chính phủ điện tử, nền kinh tế kỹ thuật số, triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN, khuyến khích khởi nghiệp và nhiều biện pháp khác.

Dựa trên phân tích về thời kỳ phát triển dài hạn của Việt Nam, ông Mazyrin khẳng định vào cuối năm 2019, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn 7% và "sẽ vượt kết quả rực rỡ của năm 2018".

Động thái đón đầu cơ hội của Việt Nam

Đến thời điểm này, có thể nhận định rằng, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam rất rõ ràng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam.

Thông tin mới đây cho biết, hãng sản xuất thiết bị đeo tay thông minh Fitbit và thiết bị điện tử gia dụng Tile của Mỹ sẽ chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, để tránh thuế nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Sharp, Kyocera (Nhật Bản) và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chuyển hướng mở nhà máy ở Việt Nam…

Có rất nhiều thuận lợi để Việt Nam có thể đón đầu cơ hội này. Việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam được thăng hạng là một điểm cộng quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện hơn nữa trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, gồm cả Trung Quốc đang nỗ lực có nhiều chính sách mới để thu hút đầu tư.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, phải thực hiện các định hướng chiến lược trong thu hút FDI mà Bộ Chính trị đã vạch ra trong Nghị quyết số 50/NQ-TW, tập trung thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, cũng như rà soát, lựa chọn lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp, có cơ chế, chính sách tập trung thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tránh tình trạng lợi dụng núp bóng đầu tư.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị. Theo đó, để có sự lựa chọn khôn ngoan, sẽ có các “bộ tiêu chí” được xây dựng để sàng lọc dự án ngay từ giai đoạn ban đầu.

Sẽ ưu đãi đầu tư dựa theo kết quả đầu ra

Trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đáng chú ý có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, cũng như các tiêu chí về cơ chế ưu đãi đầu tư dựa theo kết quả đầu ra, như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, gắn cơ chế ưu đãi với cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết…

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới, cũng như trong quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, tình trạng đầu tư vốn mỏng…

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam