Gói vay ưu đãi cho người thu nhập thấp vẫn là giải pháp chính để phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị lớn. (Ảnh minh họa)
Cách đây vài năm, các dự án nhà ở xã hội có giá chỉ từ vài trăm triệu đến dưới 1 tỷ đồng được phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, 1 - 2 năm trở lại đây, việc xây nhà ở xã hội đang chậm lại, mới chỉ đạt 33% mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do ít có doanh nghiệp mặn mà, khi lợi nhuận chủ đầu tư bị bó buộc không được vượt quá 10% tổng mức đầu tư dự án. Ngoài ra, còn một lý do khác là trên thị trường hiện đang thiếu các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp cho người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số doanh nghiệp đang thành công với mô hình này.
Thực tế, ngoài yếu tố giá cả, dự án nhà ở xã hội muốn thu hút người dân phải có đầy đủ tiện ích. Điều này chỉ dễ dàng thực hiện nếu nhà ở xã hội được xây dựng trong một khu đô thị đồng bộ. Theo quy định hiện nay, dự án có quy mô trên 10ha phải dành tối thiểu 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ngoài số ít chủ đầu tư tiên phong xây nhà ở xã hội như Tổng Công ty Viglacera thực hiện, nhiều dự án đang "bỏ quên" trách nhiệm này.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay: "Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% cho cho nhà ở xã hội. Nếu làm vậy, người thu nhập thấp mới được thụ hưởng đồng bộ".
Tại khu nhà ở cho công nhân đang được xây dựng tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nằm ngay bên cạnh hàng loạt các khu công nghiệp lớn, đông dân cư sinh sống, một căn hộ 30m2 khép kín chỉ có giá khoảng 250 triệu đồng. Đây là loại căn hộ được nhiều gia đình công nhân lựa chọn.
Theo các chuyên gia, quỹ nhà giá thấp đã có, nhưng lại đang thiếu gói vay cho người lao động, người có thu nhập thấp. Mặc dù Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đang thực hiện chương trình vay mua nhà ở xã hội chỉ 4,8%/năm, rẻ hơn ½ với lãi suất thương mại trên thị trường nhưng tổng số tiền chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu thực tế.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí thêm 2.000 tỷ đồng để vay ưu đãi cho loại hình nhà ở xã hội. Việc kêu gọi nguồn vốn từ phía các doanh nghiệp đầu tư cũng được coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội.
Nguồn: https://congluan.vn/them-giai-phap-goi-vay-uu-dai-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi-tai-cac-do-thi-lon-post65214.html