Dù 2 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải chịu nhiều sức ép đến từ đại dịch COVID-19, thế nhưng, nhìn chung, thị trường vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2019 có 82.604 giao dịch bất động sản thành công. Năm 2020, trên cả nước có 115.420 giao dịch bất động sản thành công. 

Sang năm 2021, có 282.105 giao dịch bất động sản thành công, tức là tăng gấp đôi so với năm trước. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch; lượng giao dịch đất nền là 170.465 giao dịch. Tổng giá trị giao dịch 30 tỷ USD/năm, thu hút 300.000 nhân sự môi giới, hơn 100 công ty phát triển bất động sản, hơn 1.000 công ty môi giới, 13.000 công ty liên quan bất động sản.

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng, phức tạp, nhưng với việc Chính phủ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành bất động sản (BĐS), xây dựng phục hồi, tăng trưởng.

Diễn đàn Bất động sản mùa xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu 2021-2022 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức

Cụ thể, theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, hiện nay các thể chế chưa theo kịp tốc độ của thị trường BĐS. Trong hệ thống pháp luật có 82 đạo luật liên quan vẫn tồn tại những bất cập, cùng một số Nghị định, văn bản chuyên ngành liên quan gây khó khăn cho công tác thực thi Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, nhất là việc cơ cấu lại nguồn cung, tập trung vào phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phục vụ nhu cầu của số đông.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, 2 năm qua, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có những nỗ lực vượt khó để tồn tại, hồi phục và phát triển. Bằng chứng là, họ không những phục hồi nhanh mà còn có những kết quả đầu tư, kinh doanh khả quan. Nếu những nỗ lực, cố gắng đó được ghi nhận và đánh giá đúng thì không chỉ là sự cổ vũ rất lớn đối với các doanh nghiệp được vinh danh mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp khác nỗ lực theo những tấm gương điển hình đó. Đây cũng chính là nền tảng để thị trường bất động sản sớm hồi phục và phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho biết, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, địa chính trị phức tạp nhất là chiến sự Nga - Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn; giá cả, lạm phát sẽ còn tăng trưởng; thu hẹp các gói hỗ trợ, mua tài sản và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp bị thu hẹp. 

Dự báo cả năm 2022, GDP đạt 6 - 6,5%, CPI bình quân tăng 3,8 - 4,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7 - 7,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng lần lượt 15 - 17%; cán cân thương mại tăng từ 4 lên 8 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13 - 14%; vốn FDI  đăng ký tăng 7 - 10%... Trong khi đó, nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.

Thêm nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản 2022 là nhận định chung của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn BĐS mùa Xuân và Lễ vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2021 - 2022

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản là một trong những chỉ dẫn quan trọng của quá trình phục hồi chung của nền kinh tế. Việt Nam đang trong tình thế của các tác động kép, rất bất lợi, dịch bệnh chưa qua thì chiến tranh đã tới. Rủi ro kép tăng lên kể cả trên hai phương diện: Rủi ro về pháp lý, rủi ro về thị trường.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản đang là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, trong khi việc khai thác các nguồn lực đất đai và thúc đẩy quá trình đô thị hoá là nguồn lực, cũng là động lực quan trọng nhất của quá trình công nghiệp hoá.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc enCity cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có 4 cơ hội: Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường Việt Nam. Đây là xu hướng lâu dài do có sự chuyển dịch từ Trung Quốc và cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào.

Thứ hai, đầu tư công về hạ tầng giao thông như Vành đai 4, Vành đai 3 sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. Thứ ba, đây không chỉ là vấn đề an toàn, mà còn là bộ mặt đô thị. Đại dịch và đầu tư công kích thích đô thị hóa vùng ven: Pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta đang có các quỹ đất ngay trong lòng thành phố lớn. Thứ tư, đại dịch tạo nên nhu cầu sống xanh. 61% người có nhu cầu sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn.

Ông Hà Tuấn Khang - Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Marketing Tập đoàn Meey Land nhận định, về cơ hội và tiềm năng, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, bao gồm: Số lượng người dân sử dụng smartphone lớn và 100 triệu dân với thị trường nhà ở được định giá lên đến 24 tỷ USD. Quy mô thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Từ thời điểm 2020, tất cả các trải nghiệm mua nhà của khách hàng đã bắt đầu tiến vào số hóa. Tuy nhiên, các rào cản về pháp lý cũng ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam. Vì vậy, để thị trường “cất cánh” nhất thiết phải tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý.

Ngoài ra, tại Diễn đàn các chuyên gia, doanh nghiệp khác cũng đều cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường BĐS, kết hợp với chương trình phục hồi phát triển kinh tế, có như vậy thì mới tạo điều kiện thuận lợi giúp cho ngành BĐS, xây dựng phục hồi, tăng trường trở lại.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Phát biểu kết luận Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân lần 2, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, với chức năng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam luôn coi công tác tư vấn, phản biện xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm bằng việc tích cực tổ chức nhiều đề án nghiên cứu, hội thảo chuyên đề, đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề nóng trong lĩnh vực bất động sản.

Trong giai đoạn tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư bất động sản… và  các cơ quan, các bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số đang phát triển nhanh để khẳng định vị thế, sứ mệnh của mình trong sự phát triển đất nước, trước hết là với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhà ở và các phân khúc của thị trường bất động sản.

Ngày 15/3/2022, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) sẽ tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022.

Diễn đàn là sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm phân tích bức tranh tổng quan, những diễn biến và dự báo toàn cảnh thị trường cho đến sự chuyển động của từng phân khúc, sản phẩm trên thị trường bất động sản; đồng hành cùng doanh nghiệp để nhận diện những vướng mắc, rào cản cần khơi thông giúp thị trường thực sự bứt phá.

Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu 2021 - 2022 nhằm tôn vinh những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp; những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, uy tín trên thị trường.

Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022 sẽ tôn vinh những nhà phát triển bất động sản, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản uy tín và chuyên nghiệp; vinh danh các dự án bất động sản chất lượng trên các loại hình, phân khúc. 

Đây là kết quả của Chương trình bình chọn, xếp hạng các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022 được lựa chọn bởi 500.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo theo dõi lĩnh vực kinh tế - xây dựng - bất động sản; các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.

Ban tổ chức Diễn đàn cũng đã vinh danh Top doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động BĐS với các hạng mục10 khu đô thị đáng sống nhất năm 2021; 10 dự án chung cư cao cấp tốt nhất năm 2021; 5 dự án nhà ở đại chúng tốt nhất năm 2021; 5 dự án công trình xanh - thông minh tốt nhất năm 2021; 10 dự án BĐS du lịch tiềm năng nhất năm 2022; 10 Khu đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2022; 10 nhà cung ứng dịch vụ BĐS tốt nhất năm 2021; 5 nhà cho vay BĐS tốt nhất năm 2021; 10 sàn giao dịch BĐS tốt nhất năm 2021; 10 nhà phát triển BĐS công nghiệp tốt nhất năm 2021; 10 nhà phát triển BĐS tiềm năng nhất năm 2022; 10 nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam năm 2021.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/them-nhieu-co-hoi-cho-thi-truong-bat-dong-san-2022-20201231000005688.html