Nguồn cung dư thừa, mặt bằng nhà phố ế ẩm
Đối với thị trường bất động sản cho thuê mảng văn phòng, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, thị trường tiếp tục gặp khó khăn khi tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, diện tích thực thuê âm liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2020.
Khảo sát của CBRE Việt Nam mới đây cho thấy 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.
Trong quý III/2020, thị trường văn phòng TP. Hồ Chí Minh không có thêm nguồn cung mới nào (vẫn duy trì tổng diện tích cho thuê ở mức 1.370.814m2). Hầu như các khách thuê đang thu hẹp diện tích thuê, dự báo tình trạng này sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm.
Trong khi đó tại Hà Nội, theo Savills Việt Nam, nếu như phân khúc văn phòng hạng A đang có xu hướng gia tăng từ làn sóng dòng vốn FDI đổ bộ thì các phân khúc khác hạng B và C đang chật vật vì tình trạng dư cung khi tỷ lệ lấp đầy quá thấp.
Ảm đạm không kém mảng cho thuê văn phòng, thị trường nhà đất cho thuê, giá thuê nhà phố thương mại ở trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hiện đang giảm chưa từng có dù đây đều được biết đến là vùng “đất vàng”, kinh doanh sầm uất bậc nhất ở Hà Nội hay các khu trung tâm Sài Gòn hoa lệ.
Những tuyến phố từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của giới thương nhân thì nay nhiều mặt bằng nhà phố rơi vào tình trạng khó tìm khách thuê, thậm chí phải đóng cửa, giá thuê giảm tới 40-50% nhưng vẫn không có ai nhòm ngó.
Khảo sát của PV tại Thủ đô Hà Nội, nhiều tuyến phố ở các khu vực trước đây được xem là nơi “hốt bạc” của giới thương nhân như quanh phố cổ khu Hoàn Kiếm, Hàng Bông, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Hàng Đào,... giờ cảnh chen lấn đã giảm đi đáng kể, thậm chí xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển cho thuê mặt bằng. Trên các tuyến phố kinh doanh khác như Bà Triệu, Phố Huế, Chùa Bộc, Thái Hà,... cũng xuất hiện nhiều biển treo “cho thuê nhà”. Nhiều mặt bằng chấp nhận giảm giá 30-50% để tìm kiếm khách thuê nhưng vẫn ế ẩm.
Tại một số mặt bằng nhà phố kinh doanh dịch vụ khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh như đường Bùi Viện, Hai Bà Trưng (Quận 1),... dù đã treo bảng sang nhượng, cho thuê nhiều tháng nhưng vẫn chưa tìm được người thuê. Theo khảo sát, giá chào thuê mặt bằng ở trung tâm Quận 1 đang giảm ở mức 15-30% nhưng vẫn vắng khách thuê.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở những nhà phố mặt bằng tại khu phố Hàn Quốc quanh phường Tân Phong, Phú Mỹ Hưng (quận 7). Một số mặt bằng đã treo bảng cho thuê, sang nhượng với giá cho thuê cũng giảm mạnh tới 20-30% nhưng đến nay nhiều mặt bằng vẫn còn đang treo bảng chờ người thuê.
“Thoi thóp” sinh tồn, khó phục hồi sớm
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản cho thuê sẽ tiếp tục ảm đạm từ nay đến hết năm 2020 vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Phân khúc căn hộ cao cấp, nhà phố mặt tiền khu trung tâm sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê cao. Những chủ nhà có năng lực tài chính sẽ ít bị ảnh hưởng nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thì áp lực trả lãi vay sẽ rất lớn. Vì vậy, lúc này bắt buộc chủ nhà phải giảm giá và việc này có thể sẽ kéo dài sang tận giữa năm sau, ông Khương phân tích.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA (Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh), trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp tuyệt đối không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành, lễ bàn giao nhà, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, chuyển sang sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến.
Doanh nghiệp nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian. HoREA cũng đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế.
Đồng thời mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản,...
Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp tốt nhất bây giờ là cộng đồng doanh nghiệp cần bắt tay với nhau đàm phán với chủ nhà về vấn đề giảm tiền thuê nhà từ 50% trở lên. Hoặc những doanh nghiệp chung ngành - có thể chia sẻ việc bán hàng chéo, chia sẻ mặt bằng thuê, chia sẻ nhân sự. Điều này nhằm giúp các chuỗi cửa hàng tồn tại được.
Ngoài ra, các ngân hàng giảm lãi suất 1-2%, giãn thời gian trả nợ ra 6 tháng nữa và tung ra các gói cho vay cứu trợ lãi suất thấp. Còn cơ quan thuế thì giãn thời gian thanh toán thuế ra thêm 12 tháng và giảm thêm % thuế...
Hiện xu hướng khách thuê giảm số lượng và cắt giảm diện tích thuê, chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn. Do đó, thị trường bất động sản cho thuê dự báo khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế GTGT với chuyển nhượng bất động sản nhằm có chính sách thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện Dự thảo cũng được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến góp ý, xây dựng.