Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giúp các DN vượt qua khó khăn, song theo đánh giá, một số chính sách chưa được đi vào thực tế do vấn đề về thủ tục hướng dẫn thực hiện chưa hoàn thiện.
Tiếp tục khó khăn
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đã hoạt động trở lại từ đầu tháng 5/2020 nhưng kết quả vẫn không có nhiều khả quan. Nếu như ở quý I, số lượng DN ngừng hoạt động chiếm tới 94,1%, đến nay xuống khoảng 88% nhưng vẫn ở mức rất cao.
Thị trường BĐS vẫn cần có những giải pháp về tín dụng và thể chế của Nhà nước để phục hồi. Ảnh: Doãn Thành |
Chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng giao dịch thành công chỉ bằng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 4 năm qua, riêng các DN BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. Trong khi đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS cũng sụt giảm nghiêm trọng, trong 5 tháng đầu năm 2020 thu hút được trên 721 triệu USD, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, xu hướng của thị trường hậu Covid-19 có 3 phân khúc: BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự liền kề; mặt bằng bán lẻ; văn phòng cho thuê sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn các phân khúc khác. “Thời điểm hiện tại, nhiều nước trên thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh nên việc đi lại, du lịch vẫn sẽ bị đình trệ. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử, bán hàng đa kênh, đa phương thức khiến cho các mặt bằng bán lẻ phải chia sẻ thị phần” – ông Lực nhận định.
Tháo gỡ pháp lý
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, thị trường BĐS rơi vào trạng thái “hôn mê” mà khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động chính sách của Chính phủ.
“Trở ngại lớn nhất để phục hồi thị trường BĐS là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng… Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục và chế tài xử lý minh bạch” – ông Nghĩa nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chính sách về tín dụng được xem là biện pháp hiệu quả nhất. Chính phủ cũng đã sớm đưa ra các giải pháp như giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất và lãi suất ngân hàng… Có thể nói, các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp và các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp.
“Nhưng nhiều chính sách vẫn còn mắc về quy trình và thông tư hướng dẫn thực hiện tại các bộ, ngành. Lúc này, DN rất cần các cơ quan chuyên môn nhanh chóng hoàn thiện văn bản hướng dẫn để những chính sách của Chính phủ được sớm đi vào thực tế” – ông Vinh nói.
"Giải pháp cấp bách là tiếp tục tập trung vào các chính sách tài chính – tín dụng như cơ cấu thời gian trả nợ gốc, lãi; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS. "- Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam |