Sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động lưu thông hàng hoá trên thị trường dần được phục hồi, cung ứng hàng hoá, nhất là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường cho người dân được cải thiện; nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.

Theo thống kê, trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%. Thị trường hàng hóa sôi động hơn hậu giãn cách xã hội nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBLHH & DTDV) đã có sự tăng trưởng tốt. TMBLHH & DTDV trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn hậu nới lỏng giãn cách
Thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn hậu nới lỏng giãn cách (Ảnh: Internet)

Bộ Công thương cho biết, các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; Tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với tinh thần "đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá trong bất cứ hoàn cảnh nào", Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Hiện tại, các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng tốt
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng tốt (Ảnh: Bộ Công thương)

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho cuối năm 2021, Cục Quản lý giá cũng cho biết, diễn biến khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa tạo áp lực lớn cho các tháng cuối năm 2021 nhưng sẽ tạo áp lực rõ ràng lên kinh tế Việt Nam trong các năm 2022 khi giá nguyên, nhiên vật liệu ở mức cao chịu ảnh hưởng từ giá thế giới; nhu cầu tiêu dùng theo quy luật tăng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bằng mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hoá, các mặt hàng thịt lợn, phân bón, xăng dầu cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10/2021 giảm là do nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm. Giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm cũng là những yếu tố tác động lên CPI tháng 10.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thi-truong-hang-hoa-dich-vu-soi-dong-hon-hau-gian-cach-20201231000004229.html