Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 vẫn còn 1,7 triệu người tại các đô thị, tập trung vào phân khúc thu nhập thấp, trung bình gặp khó khăn về nhà ở.
Cùng với đó, giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn còn cao so với thu nhập của dân. Thực tế này cho thấy giấc mơ sở hữu ngôi nhà tại các đô thị lớn vẫn đang rất xa vời với người thu nhập thấp. Do đó, theo các chuyên gia, người dân cần chuyển từ quan niệm phải “sở hữu nhà” sang “có chỗ ở”, tức là có thể đi thuê nhà.
Theo đó, hình thức thuê sau đó mua lại căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội đang được coi là giải pháp tài chính hiệu quả cho những người thu nhập thấp sớm hiện thực hoá giấc mơ an cư của mình.
2 năm trước, vợ chồng chị Mai chọn thuê căn nhà ở xã hội với số tiền đặt cọc ban đầu là 270 triệu đồng, tương đương với 50% giá trị căn hộ 36m2. Hàng tháng, chị chỉ phải trả tiền thuê căn hộ này với giá khoảng 1 triệu đồng/tháng và được hưởng trọn các tiện ích của dự án. Chị Mai cho hay, theo giá nhà nước, lẽ ra chị phải trả tiền thuê khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng chị được chủ đầu tư hỗ trợ giá thuê do chị đã đóng 50% giá trị căn hộ tại thời điểm ký hợp đồng thuê. Không chỉ được hưởng ưu đãi về giá thuê mà gia đình chị còn được quyền mua lại căn hộ sau 5 năm thuê nhà. Trong khi thời gian trước đó, vợ chồng chị từng thuê một căn chung cư mini có diện tích 40m2 trong một ngõ nhỏ heo hút với giá 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo Luật Nhà ở 2014, các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% số căn hộ để cho thuê, tối thiểu sau 5 năm, chủ đầu tư được phép bán quỹ nhà này cho người đang thuê. Người thuê nhà nếu đóng 50% giá trị căn hộ, sẽ được giảm giá hoặc miễn tiền cho thuê trong thời gian nhất định.
Đây là một giải pháp giúp cho những người dân không đủ tiềm lực tài chính để mua nhà ngay nhưng vẫn được sử dụng tài sản và được muasau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
“Tôi cho rằng cơ chế này tốt hơn cơ chế mua, điều đó hoàn toàn phù hợp với thu nhập của những người thu nhập thấp. Mỗi tháng chỉ cần trích ra một phần cho việc thuê mua nhà, và đến một giai đoạn nhất định thì căn nhà đó thuộc về mình”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Các chuyên gia đánh giá, giải pháp này có tính an toàn cao, ít rủi ro cho các bên tham giahợp đồng thuê mua. Bởi bên cho thuê vẫn là chủ sở hữu tài sản trong suốt thời hạn cho thuê, còn bên thuê tài sản được sử dụng tài sản theo đúng lựa chọn của mình để sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Sau khi hết thời hạn thuê, tài sản thuê thuộc sở hữu của bên thuê tài sản.
“Cách thức giải bài toán sở hữu nhà Hà Nội này thực sự khôn ngoan. Bởi nếu vay tiền ngân hàng mua nhà thì phải trả theo lãi suất thị trường trong khi thuê nhà ở xã hội là hình thức mua nhà theo mức giá cố định sẵn và chỉ phải trả một phần tiền thuê, phần còn lại đã được hỗ trợ từ chủ đầu tư”, một chuyên gia bất động sản nhận định.
Tuy nhiên, tâm lý thích sở hữu thay vì thuê nhà đang là rào cản đối với các dự án nhà cho thuê. Vậy nên, thay đổi tư duy của người Việt về câu chuyện nhà ở và thay đổi chính sách cho thuê sẽ giúp nhiều người thu nhập thấp giải quyết được nhu cầu bức thiết về chỗ ở hiện nay.