Để đảm bảo thông tuyến và phục vụ hành khách, nhiều đơn vị đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động. Trước những khó khăn đó, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải được đưa ra nhằm “dìu nhau” vượt qua khó khăn.

Gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh

Ngành vận tải chia làm 2 lĩnh vực chủ yếu, gồm vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vận chuyển hành khách đang chịu tác động sớm và sâu sắc hơn. Lượng hành khách đi lại giảm mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải điêu đứng. Các khó khăn mà doanh nghiệp vận tải phải đối mặt có thể kể đến như doanh thu thấp, không đủ để chi trả lương cho người lao động, không đủ chi phí trả lãi ngân hàng nên phải bù lỗ…

Dịch Covid-19 khiến các đơn vị vận tải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Giang Nam

Đáng nói, với tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học, nhu cầu đi lại thấp... thì dự báo các đơn vị vận tải hành khách còn đối mặt với tình trạng khó khăn này đến hết năm.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sản lượng hành khách vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính trong tháng 2 vừa qua đã sụt giảm mạnh nghiêm trọng. Cụ thể, đối với vận tải hành khách liên tỉnh, khách đi xe giảm từ 40-50%. Trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%, bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%, bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%. Riêng vận tải bằng xe taxi giảm từ 50-60%. Với loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70-80% do không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội Xuân không tổ chức... Vận tải hàng hóa cũng chung ảnh hưởng khi giảm 30% so với cùng kỳ.

Tại các bến xe khách lớn của Hà Nội như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa những ngày gần đây tương đối vắng vẻ. Song các bến xe vẫn triển khai hàng loạt biện pháp phòng dịch. Cụ thể tại nhiều địa điểm trong khu vực nhà chờ, quầy vé…đều được bố trí những bảng tuyên truyền về dịch Covid-19 và hướng dẫn cách phòng bệnh với những hình ảnh minh họa cụ thể, kèm số điện thoại đường dây nóng phục vụ cho người dân thông báo tình hình dịch bệnh. Các bến xe cũng tổ chức thông tin trên hệ thống phát thanh và các bảng thông tin điện tử tại bến xe, trên các chuyến xe nhằm tuyên truyền về các thông tin của Bộ Y tế về dịch bệnh để cung cấp thông tin, các biện pháp phòng dịch đến người dân. Các nhân viên làm việc tại bến xe đều được trang bị khẩu trang khi làm việc, cồn rửa tay và dung dịch sát khuẩn được bố trí trên các tuyến xe buýt cùng nhiều điểm trong bến.

Trao đổi về vấn đề liên quan, một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho biết, nếu dịch bệnh kéo dài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đặc biệt, phương tiện bị ảnh hưởng nhiều nhất là xe hợp đồng, khi từ Tết tới giờ loại hình vận tải này gần như dừng hoạt động, vì người dân dừng đi các lễ hội đầu năm.

Tương tự, hiện ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Báo cáo tại cuộc họp sáng 27/2, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, do ảnh hưởng của dịch, từ cuối tháng 1/2020, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Đánh giá về các kịch bản có thể xảy ra, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019.

Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ). Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019 (79,1 triệu khách).

Đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ

Covid – 19 có tác động xấu đến ngành vận tải, kéo theo những khoản thu nhập của cán bộ công nhân viên cũng ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, đan xen trong những gam màu ảm đạm đó, không ít giải pháp và nỗ lực của các các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đưa ra nhằm chung sức vượt qua dịch bệnh.

Mới đây, hãng Taxi Đất Cảng đã triển khai hỗ trợ nhân viên bị ảnh hưởng thu nhập trong đợt dịch Covid -19. Theo đó, đơn vị này quyết định hỗ trợ 5% tổng doanh thu cho toàn bộ nhân viên lái xe toàn công ty ngoài các chế độ lương, thưởng, tỷ lệ % theo quy định. Ngoài ra, công ty này còn giảm 10% tất cả các loại phí và phụ thu cho toàn bộ lái xe có hoạt động kinh doanh thương quyền dưới mọi hình thức. Việc đơn vị kinh doanh vận tải chủ động đưa ra giải pháp hỗ trợ cán bộ, công nhân viên là việc làm hết sức kịp thời và thực tế, giúp người lao động có tinh thần phục vụ khách hàng tốt hơn, góp một phần nhỏ cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Với mục đích tương tự, đặc biệt để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ cấu lại tổ chức vận tải trên các bến, giảm tần suất hoạt động trong các thời điểm vắng khách, ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết đơn vị không thu tiền dịch vụ đối với các chuyến xe khách liên tỉnh giảm tần suất hoạt động. Hoạt động này góp phần chung tay với các nhà xe khi lượng hành khách có nhiều dấu hiệu sụt giảm.

Để tạo thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn chủ động bố trí phương tiện hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo duy trì hoạt động vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân vừa cắt giảm được số chuyến tại các thời điểm không có khách. Đồng thời, thông báo về Sở Giao thông Vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải, bến xe hai đầu tuyến (đối với tuyến cố định) để phối hợp quản lý. Bộ cũng yêu cầu tạm thời không xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Thông tư 10/2015 của Bộ GTVT (đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dưới 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe trên tuyến đã được phê duyệt). Thời gian áp dụng từ khi Việt Nam công bố dịch cho đến khi công bố hết dịch Covid-19.

Được biết, trước đó Công ty cổ phần Bến xe Hà nội đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch đồng thời tạo an toàn phòng dịch cho hành khách đến bến đi xe khách với những giải pháp như cấp khẩu trang miễn phí cho những hành khách chưa có khẩu trang, cấp nước sát khuẩn cho hành khách sử dụng miễn phí, thường xuyên phun phòng dịch tại bến, tăng cường thông tin tuyên truyền phòng dịch trên bến, tăng cường vệ sinh môi trường bến xe...

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn. Theo đó, Hiệp hội đề xuất nhóm giải pháp để Nhà nước hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn; xem xét việc giảm phí BOT từ 3 - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.

Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II/2020; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5. Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.

Rõ ràng, những nỗ lực khắc phục khó khăn chung kể trên là rất đáng ghi nhận. Những hành động, việc làm, cách thức dù khác nhau song đều thể hiện sự chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chung tay cùng các cấp ngành và cộng đồng tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Lao động Thủ đô