Theo số liệu báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 268 vụ cháy, nổ khiến 6 người chết và 18 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 424 vụ chập điện trên cột, 520 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu...).
Trong đó, nội thành xảy ra 151 vụ, chiếm 56,3% số vụ cháy. Loại hình cơ sở xảy ra cháy, nổ chủ yếu là nhà dân đơn lẻ; nhà kho, xưởng sản xuất; nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh và cháy phương tiện giao thông… Tình hình CNCH trên địa bàn TP đã tiếp nhận 154 tin báo cứu nạn cứu hộ, trong đó có mắc kẹt, đuối nước, tự tử, tai nạn giao thông…
Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành, triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch trong đó có nhiều văn bản mang tính chiến lược và lâu dài góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC, tạo được bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trong công tác PCCC. Qua đó, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra được kiềm chế, kéo giảm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, bên cạnh những ưu điểm còn có những tồn tại, hạn chế. Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền mới dừng lại ở ban hành văn bản chỉ đạo; việc kiểm tra đôn đốc, sơ, tổng kết đánh giá còn yếu nên hiệu quả thực hiện tại cơ sở nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19, việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể theo chương trình.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nên mức độ chuyển biến trong nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu, của nhân dân về công tác PCCC còn hạn chế.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC có tiến bộ song chưa có những mô hình tiêu biểu nổi bật cấp TP để nhân rộng. Việc phát triển lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng tuy đã chú trọng, nhưng còn nhiều bất cập; lực lượng, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu do còn gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với lực lượng này.
Công tác tự kiểm tra về PCCC tại một số cơ quan, đơn vị còn bị xem nhẹ, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó, chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác phát triển hạ tầng phục vụ chữa cháy như giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy… chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển lực lượng PCCC tại chỗ (lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, dân phòng) còn nhiều bất cập, lực lượng, phương tiện chưa đáp ứng so với quy định.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, TP sẽ chỉ đạo CA TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND TP về thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô.
CA TP cũng sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù trên địa bàn Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về đảm bảo an toàn PCCC phù hợp đối với từng loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn PCCC.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch hạ tầng PCCC trên địa bàn TP; xây dựng kế hoạch, giải pháp PCCC nhất là đối với địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu trung tâm thương mại tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…