Dư nợ tái cơ cấu hàng trăm ngàn tỷ đồng
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank cho hay, tổng dư nợ Ngân hàng đã tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng doanh nghiệp (bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN) tính đến cuối năm 2020 là khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm 4,5% trên tổng dư nợ của Ngân hàng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết, kể từ khi dịch xảy ra, Ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh với dư nợ được cơ cấu đến cuối 2020 là 5.156 tỷ đồng (nợ gốc 4.438 tỷ đồng, nợ lãi 718 tỷ đồng).
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng đã nỗ lực cơ cấu, giãn cho khách hàng theo Thông tư 01 trong năm 2020. Dư nợ sau tái cơ cấu giảm khoảng 1.000 tỷ tổng trên tổng dư nợ 90.000 tỷ đồng đến cuối 2020.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho thấy, đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng. Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 168.000 khách hàng với dư nợ 4.187 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 73.919 tỷ đồng.
NHNN cũng ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 (sau 2 đợt giảm phí) là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Lo nợ xấu theo Thông tư 01
Tổng giám đốc OCB cho biết, hiện nhiều khách hàng được cơ cấu lại thì đang hồi phục tốt. Tuy nhiên, có những khách hàng đề nghị cơ cấu, nhưng OCB không chấp nhận chuyển nhóm nợ vì Ngân hàng đánh giá nguyên nhân nợ không đến từ Covid-19, mà đến từ quản lý kinh doanh. Điều này dẫn đến hiện tượng, có những thời điểm trong năm, tỷ lệ nợ xấu tăng rất nhanh, lến đến 2,8%. Với tinh thần của Thông tư 01, ngay trong nội bộ Ngân hàng cũng có nhiều luồng ý kiến: Một luồng cho rằng, tiếp tục trích dự phòng, phản ánh đúng chất lượng nợ, trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm thời gian để đưa ra đánh giá chính xác hơn. Trước những luồng ý kiến trên, ông Tùng cho rằng, nếu nhìn vào danh mục của Ngân hàng hiện tại, thì OCB sẵn sàng cho việc dừng Thông tư 01, dù Ngân hàng không phản đối việc cơ cấu nợ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ về khó khăn của khách hàng trong bối cảnh hiện nay quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Cảnh Vinh cho hay, trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn nhất định do tác động bởi dịch, nhất là đối với ngành du lịch và một số dịch vụ khác, nên nhiều khách hàng vẫn chưa có khả năng trả nợ đúng hạn như trước.
Tuy nhiên, do tín dụng của Eximbank năm 2020 tăng trưởng âm, nên Ngân hàng chỉ trích lập khoảng 360 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu mua lại từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý.
Lo ngại nợ xấu tăng nên các nhà băng đã tăng trích dự phòng bao nợ xấu. Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ACB tăng thêm 27%, lên gần 1.840 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối quý IV/2020 đạt 160%. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, năm 2020 là năm quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng lên mức kỷ lục (19.344 tỷ đồng). Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng (xấp xỉ 377%). Nhưng nhờ đó, nợ xấu cuối năm 2020 chỉ ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, các ngân hàng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu trong quý IV/2020. Đây có thể là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phóng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu theo quy định của Thông tư 01 hết hiệu lực vào năm 2021. Mặc dù dự báo nền chi phí dự phòng sẽ ở mức cao, nhưng VDSC nhấn mạnh: “Niềm tin rằng lo ngại nợ xấu có thể không quá tệ như dự đoán. Sự chậm lại trong việc hình thành nợ tái cơ cấu sau quá trình phục hồi và đi vào thời kỳ hoạt động kinh tế ổn định là một dấu hiệu”.
Đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.
Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 168.000 khách hàng với dư nợ 4.187 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 73.919 tỷ đồng.
Nguồn: https://reatimes.vn/tiep-tuc-gia-tang-du-phong-bao-no-xau-20201224000000890.html