Theo Dự thảo số 2/2018/TT-BGDĐT của thông tư quy định mới nhất Bộ GD&ĐT ban hành, sẽ có thước đo chính xác và cụ thể hơn để quyết định cho danh hiệu một “hiệu trưởng chuẩn” tại các cơ sở giáo dục.
Theo dự thảo, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn, với 21 tiêu chí như sau:
Tiêu chuẩn 1: Có phẩm chất tốt
Về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống. Đầu tiên, hiệu trưởng phải là người có “đức” trong nghề nghiệp, lối sống và cách ứng xử.
Hiệu trưởng phải luôn đi đầu trong các hoạt động của cơ sở giáo dục, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối chính sách của Bộ GD&ĐT đề ra.
Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn
Đối với người hiệu trưởng chuẩn mẫu là phải am hiểu và có kiến thức không chỉ bộ môn của riêng mình mà còn phải theo kịp xu thế thời đại, giỏi ngoại ngữ, tin học.
Tiêu chuẩn 3: Năng lực quản lý
Là người “đầu tàu”, hiệu trưởng phải có năng lực quản lý toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục. Người hiệu trưởng “chuẩn” phải điều hành một bộ máy giáo dục trơn tru, từ việc chi tiêu tài chính đến những khó khăn tồn tại trong nhà trường.
Tiêu chuẩn 4: Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ
Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục theo xu hướng mở, do vậy người hiệu trưởng chuẩn phải xây dựng được quy chế dân chủ, nếp sống chuẩn mực hợp với bản sắc dân tộc.
Tiêu chuẩn 5: Quan hệ xã hội
Không chỉ làm tốt công tác trong trường mà một hiệu trưởng “chuẩn còn phải làm tốt công tác phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và cơ sở giáo dục cấp trên, liên kết với gia đình học sinh và cộng đồng địa phương.
Với những tiêu chuẩn trêm, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ quản lý, các hiệu trưởng có đủ phẩm chất năng lực thực hiện đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông.
Để xét hiệu trưởng “chuẩn” phải có đủ hồ sơ chứng minh, ý kiến đông đảo của giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh, kết luận của cấp quản lý cao hơn.