Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu nhưng nền kinh tế thế giới không ngừng chuyển động, vẫn cần vận hành nên mọi hoạt động cơ bản từ làm việc, họp hành, giáo dục, hội họp tới sản xuất, kinh doanh, mua sắm đều không thể bị gián đoạn hoàn toàn. Trong thời điểm này, giải pháp tạm thời cho những vấn đề hiện tại chính là sự chuyển dịch “trạng thái online” với quy mô lớn: Các trường học dạy trực tuyến, các công ty chuyển sang hình thức làm việc tại nhà, nhu cầu mua sắm trực tuyến bùng nổ...

Covid-19 đang tạo ra một cuộc "cách ly xã hội" chưa từng có. (Ảnh: Internet)

Học trực tuyến (online)

Theo UNESCO, tính đến ngày ngày 24/3, ít nhất 138 nước đã áp đặt lệnh đóng cửa trường học toàn quốc, ảnh hưởng tới hơn 80% số học sinh toàn cầu (ước tính khoảng 1,3 tỷ em). Chính vì thế, việc tăng cường dạy và học trực tuyến sẽ giúp học sinh hạn chế gián đoạn việc học trong thời gian phải nghỉ ở nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nếu nhìn một cách tích cực, đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục có thể thử các mô hình lớp học mới.

Tăng cường việc dạy và học trực tuyến thời dịch Covid-19

"Cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để đảm bảo việc học tập của học sinh, đảm bảo việc hoàn thành chương trình. Đây cũng là cơ hội để giáo viên, học sinh, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - Bộ Giáo dục & Đào tạo chia sẻ.

Giáo dục trực tuyến là phương thức học ảo thông qua một máy vi tính, điện thoại thông minh nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa.

Theo đó, tại Việt Nam, các Sở GD-ĐT địa phương hướng dẫn các trường một số nội dung thực hiện kế hoạch dạy học trên truyền hình và hoạt động giáo dục trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, yêu cầu các trường THCS, THPT, trung tâm GDTX, GDNN hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học do Bộ GD&ĐT với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia; thông qua các bài giảng của giáo viên, học sinh của 2 khối lớp trên sẽ học tiếp nối các kiến thức của học kỳ 2, trong đó lớp 9 là 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ; lớp 12 là các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học.

Làm việc trực tuyến (online)

Nhằm hạn chế sự lây lan và bùng phát của dịch Covid-19, trong những ngày gần đây, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, cơ quan, tổ chức đều đã khuyến khích nhân viên áp dụng cách làm việc từ xa, nói cách khác là làm việc trực tuyến tại nhà thay vì đến văn phòng, công sở.

Khi mà việc hạn chế tiếp xúc nơi đông người được coi là biện pháp phòng, chống dịch cơ bản và cần thiết thì các cuộc họp cũng bắt đầu chuyển từ hình thức “trực tiếp” sang “trực tuyến" thông qua các ứng dụng công nghệ kết nối 4.0. 

Ứng dụng triệt để công nghệ 4.0 để làm việc trực tuyến thời Covid-19 (Ảnh: Internet)

Giữa thời điểm khủng hoảng toàn cầu, mạng xã hội thực sự phát huy hết tiềm năng của các ứng dụng để kết nối con người. Công nghệ 4.0 đang được áp dụng triệt để hơn bao giờ hết. Thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Skype hay các ứng dụng trò chuyện trực tuyến khác (zalo, viber...), mọi người trong thời điểm này luôn "online" để triển khai các công việc không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các công ty có thể làm việc trực tuyến (các nhóm ngành như IT, tư vấn, bảo hiểm...) thì không phải ngành nghề nào cũng có thể áp dụng hình thức này dễ dàng, đặc biệt là các ngành sản xuất nên chỉ có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người bằng hình thức luân phiên 1/2, xoay vòng nhân sự của công ty.

Giữa thời điểm khủng hoảng toàn cầu, làm việc trực tuyến sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm nơi công sở. (Ảnh: Internet)

“Mọi cuộc khủng hoảng đều đi kèm những cơ hội” - một chuyên gia phân tích trên thế giới đã từng nhận định. Làm việc trực tuyến giữa thời Covid-19 theo hướng nhìn khách quan, đó không chỉ là cách con người tận dụng tối đa những ứng dụng tuyệt vời - công nghệ 4.0 mà còn là cách để nâng cao ý thức mỗi có nhân trong việc phòng, chống loại virus đang lây lan mạnh; một minh chứng cho thấy thế giới vẫn đang tiến về phía trước và quyết tâm chiến thắng đại dịch. 

Mua sắm trực tuyến (online)

Ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh không phải là một khái niệm mới đối với thị trường Việt Nam, điều này càng được ứng dụng mạnh mẽ khi Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Việc phải hạn chế tiếp xúc nơi công cộng đông người đã khiến xu hướng mua sắm trực tuyến tăng đột biến và ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đang chiếm lĩnh thị trường bởi mức độ tiêu thụ cao do tâm lý khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Trong thời điểm cần "cách ly" như bây giờ để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm, mua sắm trực tuyến trở thành cứu cánh cho nhiều người. Thương mại điện tử vốn đã sôi động thì dường như lại càng phát triển hơn trong thời điểm người người nhà nhà được khuyến cáo "đứng yên" trong nhà.

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi một cách nhanh chóng từ trực tiếp sang trực tuyến. (Ảnh: Internet)

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi một cách nhanh chóng, tăng rõ rệt từ hình thức offline sang hình thức online do tâm lý hạn chế, giảm bớt các hoạt động, tương tác với đám đông khiến tần suất đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. 

Đối với người tiêu dùng Việt, thời điểm này, việc mua bán tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống có một sự bất tiện là phải tiếp xúc với khá nhiều người, tăng nguy cơ lây nhiễm nên đa số lựa chọn các loại hình mua sắm trực tuyến sẽ giúp khách hàng được sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, không phải tiếp xúc nơi công cộng, không bị giới hạn về thời gian và không gian mua sắm. Người tiêu dùng có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ mọi cửa hàng và nhà cung cấp khác nhau.

Các siêu thị cũng dần ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ việc mua sắm tiện lợi hơn cho người dân, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo khảo sát của PV, hầu như mọi việc mua sắm của người dân bây giờ đều diễn ra trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Grabfood, GoViet, Now... bởi sự tiện lợi của các ứng dụng mua sắm trực tuyến này mang lại.

Hầu như mọi việc mua sắm của người dân thời điểm này đều diễn ra trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Internet)

Covid-19 không chỉ đặt ra những thách thức cho nhân loại mà còn mở ra rất nhiều cơ hội để con người có thể thử nghiệm những ứng dụng, phương thức mới, thử thách khả năng vượt lên những biến cố đầy biến động. "Chuyển trạng thái online" thời điểm này chính là cách tốt nhất để cùng nhau vượt qua đại dịch, chiến thắng Covid-19!

Theo Trúc An/Đô thị mới