Vietinbank muốn "đóng băng" thông tin
Vụ việc tài khoản Vietinbank của khách hàng Trần Thị Yến (thành phố Thanh Hóa), kế toán cửa hàng nội thất Ngọc Dung (địa chỉ Trường Thanh Hoa, Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa) bị “bốc hơi” 100 triệu đồng cho thấy một thực tế, việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua kênh giao dịch trực tuyến điện tử không mới, nhưng nhiều khách hàng vẫn mắc bẫy dẫn tới việc mất tiền trong tài khoản.
Trong khi sự việc đang được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ thì vấn đề trách nhiệm pháp lý của các bên có nên một lần nữa được đưa ra để bàn luận, hay nói cách khác, ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong vụ việc nói trên?
Trước băn khoăn trên, chiều ngày 6/3, phóng viên đã liên hệ với bộ phận phụ trách truyền thông ngân hàng Vietinbank (trụ sở chính tại Hà Nội), đồng thời đề nghị đơn vị này giải đáp một số thắc mắc với nội dung: Vụ việc chị Trần Thị Yến - kế toán cửa hàng nội thất Ngọc Dũng bỗng mất 100 triệu đồng trong tài khoản theo nội dung đơn trình báo, vậy Vietinbank đã có động thái gì để xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng? Trách nhiệm của cán bộ ngân hàng Vietinbank được xác định như thế nào trong trường hợp nêu trên?
Trước thực tế không ít khách hàng bị lừa đảo khi thực hiện chuyển tiền khi giao dịch trực tuyến, Vietinbank đã có khuyến cáo gì để tránh rủi ro cho khách hàng? Tuy nhiên, những nội dung trên vẫn chưa được đơn vị có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng.
“Tôi đã nhận được thông tin phóng viên cung cấp. Tôi đọc báo cũng thấy bài đăng vụ việc này. Vì thông tin đã đăng lên báo nên chúng tôi sẽ từ chối trả lời. Mọi việc cứ chờ cơ quan điều tra thôi. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra để đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của khách hàng”, một người tự xưng là Xuân, cán bộ truyền thông ngân hàng Vietinbank trả lời phóng viên sau khi chúng tôi đề nghị làm việc theo quy định của luật báo chí.
Trong khi đó, cán bộ ngân hàng Vietinbank chi nhánh Thanh Hóa cũng từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí với lý do "không có thẩm quyền trả lời", vì chưa có "lệnh" của cấp trên, đồng thời đề nghị phóng viên liên hệ với lãnh đạo ngân hàng ngoài Hà Nội để nắm thêm thông tin.
Một nguồn tin cung cấp cho phóng viên tiết lộ, cùng ngày, cơ quan điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã làm việc với đại diện ngân hàng Vietinbank (trụ sở tại Thanh Hóa), khách hàng Trần Thị Yến, nhân viên ngân hàng (bà Giang, người tham gia tư vấn, thực hiện thao tác chuyển khoản thông qua giao dịch chuyển tiền trực tuyến) để xác minh thêm thông tin, làm rõ vụ việc.
Theo đó, đại diện các cơ quan có thẩm quyền, cá nhân có liên quan cũng thẳng thắn trình bày quan điểm đồng thời nêu quan điểm cá nhân, chỉ rõ trách nhiệm có liên quan trong đó có ngân hàng Vietinbank, cán bộ ngân hàng này và khách hàng. Các bên cũng thống nhất quan điểm phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.
Cá nhân bà Trần Thị Yến – kế toán cửa hàng nội thất Ngọc Dũng vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm khi tài khoản của mình bị “bốc hơi” 100 triệu đồng.
“Cán bộ ngân hàng sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng nhưng không kiểm tra thông tin đường link chuyển tiền trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, mà vẫn hướng dẫn khách hàng, thực hiện giao tác giao dịch qua khiến tôi bị thất thoát tiền.
Khi khách hàng nhận thấy sự bất thường vì có thông báo tài khoản chuyển đi 100 triệu đồng thay vì nhận 15,5 triệu đồng từ phía khách hàng, tôi đã nghi ngờ nhưng cán bộ này vẫn thực hiện thao tác và sau đó tiếp tục hướng dẫn tôi xác nhận nhập mã OTP”, bà Yến cho hay.
Vietinbank không thể “phủi” trách nhiệm
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, giao dịch trực tuyến lừa đảo trực tuyến ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống kinh tế và hết sức tinh vi. Không ít khách hàng sơ suất, hoặc thiếu hiểu biết nên đã sử dụng các thao tác chuyển tiền trực tuyến qua hệ thống lừa đảo nên mất tiền oan.
Quay trở lại vụ việc nói trên, vị luật sư cho rằng, ngân hàng Vietinbank nên nhận trách nhiệm trước việc tài khoản ngân hàng của khách hàng bỗng dưng biến mất 100 triệu đồng.
“Trong trường hợp này, cả ngân hàng và cả khách hàng có thể đã bị lừa. Nếu ngân hàng tử tế thì cần phải nhận trách nhiệm, chứ không thể nói đó là việc làm của cá nhân hay cá nhân phải chịu trách nhiệm.
Cá nhân trong vụ việc này có thể họ vô tư, hoặc do nhận thức, do trình độ còn hạn chế khi tư vấn cho khách, cho nên mới để xảy ra rủi ro như đã nêu. cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm. Giao dịch có dấu hiệu lừa đảo mà nhân viên ngân hàng còn không nhận ra nói gì đến khách hàng? Ở nước ngoài lỗi này bị phạt rất nặng.
Nếu bản thân ngân hàng phát hiện vụ việc nhưng không có động thái kịp thời xử lý vụ việc để tránh thất thoát cho khách hàng thì trách nhiệm của Vietinbank càng tăng thêm. Hay nói cách khác, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng cần nhanh chóng kết hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện phong tỏa tài khoản chuyển đến càng sớm càng tốt. Nếu ngân hàng không làm gì thì rõ ràng họ có dấu hiệu không làm hết trách nhiệm của mình để hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Lỗi trong vụ việc này không hoàn toàn thuộc về ngân hàng nhưng trong trường hợp này Vietinbank nên có chính sách hỗ trợ, trấn an, chia sẻ rủi do với khách hàng chứ không thể thoái thác trách nhiệm hoặc đổ lỗi hết cho khách hàng được", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Từ sự việc trên, luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo: “Đối với những giao dịch không có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng thì khách hàng hết sức cảnh giác. Trong quá trình giao dịch ngân hàng điện tử, nếu khách hàng có nghi ngờ hoặc chưa rõ nên gọi đến tổng đài ngân hàng nhờ tư vấn...".
Chị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng (địa chỉ Trường Thanh Hoa, Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Hằng tháng có cả trăm khách đặt mua hàng trực tuyến thông qua fanpage Nội Thất Thanh Hoá - Ngọc Dũng nhưng chưa bao giờ gặp khách hàng có thủ đoạn tinh vi như như thế này. Qua sự việc này, tôi mong muốn cảnh báo đến quý khách hàng chiêu thức lừa đảo tinh vi bằng công nghệ cao để không mắc phải sai lầm như tôi".
(còn nữa)