Thảo luận tại hội trường về câu chuyện: “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí” một đại biểu quốc hội của tỉnh Tây Ninh ngày 31/10/2022 có nêu: “Phải có những giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không lãng phí trách nhiệm và niềm tin”.

Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất mới bởi đất nước chúng ta sau gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng và làm được nhiều việc cho doanh nghiệp, nhân dân, tuy nhiên việc để lãng phí tài sản đất đai, vốn liếng, … và trong dó có cả lãng phí trách nhiệm lẫn niềm tin vẫn còn diễn ra có lúc còn gây nhức nhối đối với dư luận xã hội, đòi hỏi nhà nước quốc hội và chính phủ cần phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ hơn để khắc phục trong những năm tới.

Nói về lãng phí trách nhiệm, ngay ở lĩnh vực thương mại bán lẻ bao gồm cả người sản xuất hàng hóa và kinh doanh trên thị trường. Mối quan hệ mua bán, giữa phục vụ và được phục vụ còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Với người sản xuất và nhập khẩu hàng hóa, trong quá trình lao động có lúc đã không tuân thủ quy trình sản xuất và nhập khẩu để hàng hóa không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường một cách thiếu trách nhiệm.

Hàng hóa mua bán ở thị trường Việt Nam hầu hết đều mua đứt bán đoạn, ít có tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng, độ an toàn cho người tiêu dùng. Đó là về chất lượng còn về giá cả, theo hãng McKinsey thì mua bán ở Việt Nam qua rất nhiều khâu trung gian, tăng chi phí vô lí, làm cho mặt bằng giá hình thành trên thị trường nội địa cao quá mức làm thiệt hại cho người tiêu dùng, cho cả du lịch, đầu tư. Mua bán ở Việt Nam, có lúc có nơi có mặt hàng còn mang tính chất độc quyền mua, độc quyền bán của một số đơn vị sản xuất và bán lẻ có thế mạnh trên thị trường.

Mua bán trên thị trường hiện nay là mua bán niềm tin.

Việc thiếu trách nhiệm và độc quyền nêu trên đã kéo dài hàng chục năm nay, nhiều ý kiến của dư luận, báo chí các chuyên gia, quản lý đã phê phán và kiến nghị phải xem xét lại vấn đề này nhưng hầu như không được giải quyết dù chỉ là một vài ý kiến phản hồi, ghi nhận để xem xét của các cá nhân và tổ chức có trách nhiệm trong lĩnh vực sản xuất và thương mại ở thị trường nội địa.

Thậm chí còn có những nhận thức rất sai trái cho rằng: Thị trường Việt Nam hiện nay đã theo cơ chế thị trường hoàn toàn, cho nên không chia sẻ, can thiệp làm trọng tài cho những hiện tượng, hành động thiếu trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng nêu trên.

May mắn gần đây trong tháng 3/2023, người đứng đầu hiệp hội bán lẻ Việt nam đã phải công nhận: “Ở Việt Nam hiện có một số siêu thị ỷ vào thế thống lĩnh thị trường gây khó khăn cho việc đưa hàng vào siêu thị của các nhà cung ứng, sản xuất”. Việc thừa nhận thực tế này tuy có muộn nhưng rất đáng hoan nghênh. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thế còn ở góc độ niềm tin thì sao?

Thị trường Việt Nam với trăm triệu dân, có sức mua rất lớn và diễn ra từng ngày từng giờ trên thị trường. Người tiêu dùng Việt tuy đã thông minh hơn, có nhiều quyền lựa chọn hơn nhưng nhìn chung vẫn ở thế yếu, họ gửi gắm niềm tin vào các nhà sản xuất, bán lẻ có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Tuy nhiên những hiện tượng sản xuất gian dối, bán lẻ cả trực tiếp và online lừa người tiêu dùng trong những năm gần đây không phải là cá biệt. Những năm 2020-2021, một số cửa hàng bách hóa xanh thuộc thế giới di động trong thời kì có dịch đã bán tăng giá, hàng hóa không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và họ đã đánh mất một phần niềm tin của người tiêu dùng. Hay gần đây trong năm 2022 một số siêu thị phía Nam nhập cả rau có giấy chứng nhận Vietgap giả để bán ra, …

Mua bán trên thị trường hiện nay là mua bán niềm tin, nếu đơn vị sản xuất kinh doanh nào không hiêu sâu sắc ý nghĩa của 2 chữ niềm tin thì đó là một sai sót lớn, bởi nếu đánh mất niềm tin thì sẽ mất tất cả. Vậy chúng ta phải làm gì để không để lãng phí trách nhiệm và lãng phí và để mất niềm tin.

Trước hết đó là vai trò trách nhiệm của các ngành quản lý sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, cần đề ra những quy định dưới luật về trách nhiệm sản xuất, phục vụ người tiêu dùng với định hướng ngày càng an toàn hơn, chất lượng hơn và giá cả hợp lý của từng thời kì. Tăng cường kiểm tra, uốn nắn, xử lý những vi phạm một cách nghiêm minh, khen thưởng những đơn vị làm ăn tử tế, có trách nhiệm, có thương hiệu và có niềm tin.

Đối với doanh nghiệp cần phải tự giác khép mình vào kỉ luật sản xuất, kinh doanh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng thương hiệu tạo niềm tin lâu dài cho khách hàng. Chia sẻ những khó khăn, hài hòa lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối tiêu dùng. Đó là con đường không ngoan, đúng đắn nhất của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau.

Với người tiêu dùng hãy mạnh dạn góp ý đối với những sai sót vi phạm của các doanh nghiệp phục vụ, ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn tử tế, trách nhiệm và có niềm tin lâu dài, kiên quyết không ủng hộ, không đóng góp doanh số cho các đơn vị làm ăn thiếu trách nhiệm, lừa dối người tiêu dùng. Đối với các cơ quan tuyên truyền, báo chí cần đi sát thực tế, nắm vững tình hình, phản ảnh trung thực đẻ biểu dương những đơn vị có trách nhiệm và có niềm tin với người tiêu dùng, phê phán thậm chí kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý nếu vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.

Làm được những vấn đề trên chính là nâng cao trách nhiệm và khôi phục niềm tin cho toàn xã hội trong lĩnh vực thương mại và sản xuất của Việt Nam hiện nay trên thị trường nội địa nhiều tiềm năng mà chúng ta cần phát huy để khai thác góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/trach-nhiem-va-niem-tin-trong-hoat-dong-thuong-mai-84635.html