Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Hoạt động TMĐT đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả.

Với mục tiêu doanh số TMĐT chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ, 45% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 60% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng có hóa đơn điện tử… thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Hà Nội: Triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về thương mại điện tử
Hà Nội triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về thương mại điện tử

TMĐT đang trở nên vượt trội so với các mô hình thương mại truyền thống, đặc biệt, trong hơn 2 năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Các hình thức thương mại, quảng cáo trực tuyến, mua sắm online đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ. 

Ngay cả những người dân hay mua bán theo hình thức truyền thống, cũng dần dần thích nghi và chạy theo xu hướng của TMĐT. Đây có thể coi là lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Nếu trước đây, trung bình mỗi ngày, người dùng dành 3,7 giờ cho mua sắm trực tuyến thì trong giai đoạn dịch bệnh, con số này tăng lên 4,7 giờ và ở giai đoạn sau xuống còn 4,2 giờ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố sẽ triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; tiếp tục cập nhật và hoàn thiện tính năng, nội dung và hình thức của Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn và ứng dụng trên nền tảng di động.

Người tiêu dùng thanh toán bằng hình thức quét mã QR (Ảnh: Đỗ Tâm)
Người tiêu dùng thanh toán bằng hình thức quét mã QR (Ảnh: Đỗ Tâm)

Cùng với đó, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua. Tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường…

Đặc biệt, sẽ nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử; Đồng thời tổ chức các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

Nhiều sàn TMĐT đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-trien-khai-17-nhom-nhiem-vu-trong-tam-ve-thuong-mai-dien-tu-60664.html