Trong một báo cáo của Ủy ban Y tế toàn cầu, ở thời điểm chưa có đại dịch Covid-19, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có khoảng 5,7 triệu người chết do chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém. Trong khi đó, có khoảng 2,9 triệu người chết vì không được chăm sóc sức khỏe. Cam kết thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân- một trong những mục tiêu phát triển bền vững, càng trở nên quan trọng hơn hết khi nhìn từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan trong năm 2020.
Mới đây, nhân Ngày Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân năm nay- 12/12, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan ở hầu hết các quốc gia, WHO đã nhấn mạnh thông điệp: Sức khỏe cho mọi người; bảo vệ mọi người (Health for all: Protect everyone). Để chấm dứt cuộc khủng hoảng này, hướng đến xây dựng một tương lai an toàn, hơn bao giờ hết phải đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế, để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho tất cả chúng ta.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống người dân. Trong bối cảnh này, việc đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh Covid-19 và tiến tới ngăn chặn dịch bệnh lây lan là vấn đề được quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, ước tính, có khoảng 400 triệu người trên thế giới thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Mỗi năm có gần 100 triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực vì phải tự trang trải chi phí khám, chữa bệnh.
Những con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi Covid-19 tiếp tục lây lan, tác động đến việc làm và nhất là chi phí xét nghiệm, điều trị ngày càng có xu hướng gia tăng. Đó là chưa kể đến việc giá vaccine phòng bệnh sẽ không hề rẻ và khó tiếp cận với người dân ở các quốc gia nghèo.
Hơn lúc nào hết, cần tối ưu hóa hoạt động của hệ thống y tế, vốn đã quá tải trầm trọng vì Covid-19. Hiệu quả của hệ thống y tế lúc này phải đảm bảo chất lượng, chi phí ở mức hợp lý và phải đảm bảo cơ hội khám, chữa bệnh cho mọi người; nghĩa là cân bằng giữa chất lượng và số lượng, vừa đảm bảo chiều sâu hiệu quả vừa cho thấy khả năng tiếp cận rộng rãi với số đông; nhất là việc xóa bỏ các rào cản tài chính. Nhìn từ bối cảnh đại dịch toàn cầu lây lan, để đạt mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe là yêu cầu mang tính tất yếu.
Trong quá trình nỗ lực, nhằm giảm thiểu sự lây lan của Covid-19, các quy trình mang tính truyền thống buộc phải chuyển hướng sang ứng dụng kỹ thuật số, đặc biệt là sử dụng dịch vụ truy cập, liên lạc từ xa, theo hướng trực tuyến mang tính linh hoạt, năng động hơn. Sức ỳ cố hữu trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe cũ nhanh chóng bị thay thế bởi nhu cầu cấp thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, ứng dụng kỹ thuật số.
Điều này cũng có nghĩa là mở rộng cơ hội tiếp cận được chăm sóc sức khỏe cho nhiều người hơn, phù hợp với chủ trương thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) của Tổ chức Y tế thế giới.
Khám, chữa bệnh từ xa- Telemedicine đã cho phép tăng mức độ tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân bất kể vị trí, do đó tăng đáng kể phạm vi tác động của nhân viên y tế. Các tính năng khác của chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, bao gồm đào tạo trực tuyến (trên máy tính hay các thiết bị di động), có thể thúc đẩy công tác điều trị và cả phòng ngừa bệnh tật từ xa. Phòng khám, điều trị di động có thể được thực hiện trong thực tiễn đáp ứng yêu cầu trong các trường hợp khẩn cấp một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc dữ liệu khám, chữa bệnh được xây dựng sẽ giúp mỗi địa phương, quốc gia có được thống kê chính xác hơn về tình hình bệnh tật, từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn. Quá trình cung ứng nhân lực, thuốc, vật tư y tế cũng như các nguồn lực khác đáp ứng yêu cầu thực tế qua đó tối ưu hóa chi phí đầu tư.
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: Khai thác sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số là điều cần thiết để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này. Đội ngũ quản lý y tế, phải khai thác sức mạnh của dữ liệu để xác định các nhu cầu thiết yếu trong mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, qua đó, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ đến nhiều người dân hơn trên toàn cầu.
Dữ liệu thống kê bằng máy tính về số ca mắc Covid-19, số ca mắc mới ở từng vùng, quốc gia được cập nhật đến từng giờ là những thông tin hữu ích, yếu tố quan trọng để cảnh báo người dân chủ động phòng bệnh qua đó ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ứng dụng công nghệ thông tin hay còn được gọi bằng thuật ngữ “chuyển đổi số” sẽ là nhân tố thúc đẩy quá trình đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhanh hơn, chất lượng hơn.