Bộ GD&ĐT cho biết Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông.
Kết quả thi có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung.
Bộ GD&ĐT dự kiến không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Ảnh: Khánh Huy |
Trong các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Trên thực tế, việc công bố đề thi minh họa sẽ giúp giáo viên và học sinh có thể làm quen với cấu trúc đề, ôn tập và làm quen với cấu trúc đề thi, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Đề thi THPT quốc gia 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần nhỏ lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hóa khi các trường xét tuyển vào ĐH, Học viện.
Tuy nhiên, theo Thông tư mới nhất số: 03/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT thì đã có một chút thay đổi: Theo đó: “Nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Như vậy, cũng có khả năng có câu hỏi thuộc chương trình lớp 10.
Nếu Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa, các giáo viên và học sinh có thể căn cứ các bộ đề thi năm 2019 để làm quen với cấu trúc đề và các dạng câu hỏi trong đề thi. Theo quy chế thi hiện tại thì thí sinh sẽ thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; viết tắt là KHTN), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT;
Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm).
Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Thời gian làm bài thi Toán là 90 phút, bài thi Ngoại ngữ là 60 phút. Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.
Theo thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi THPT quốc gia. Tăng cường quán triệt quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi. Đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Bộ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào quản lý, chỉ đạo và tổ chức kỳ thi; thực hiện nghiêm túc chế tài, chế độ thông tin, báo cáo thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi cử; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hình thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi cử. Tổ chức và hoàn thiện sớm cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 sắp diễn ra.