Từ năm học 2020 - 2021, các địa phương sẽ được lựa chọn SGK sử dụng tại địa phương mình. Ảnh: văn toán
Vừa viết sách, vừa in ấn là thể hiện sự độc quyền
Chỉ không lâu sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả phê duyệt 32 SGK lớp 1 sẽ được sử dụng từ năm học 2020 - 2021, đã xuất hiện nhiều nghi vấn về câu chuyện vì sao Bộ GD&ĐT được WB cho vay khoản vay 16 triệu USD để viết sách, nhưng sau đó không thực hiện mà để các nhà xuất bản thực hiện(?). Bộ GD&ĐT cho rằng, khoản tiền không thực hiện viết sách sẽ đàm phán với WB để thực hiện các nội dung khác.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, 16 triệu USD trong kế hoạch không chỉ để biên soạn một bộ SGK mà còn biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, dành cho việc chuyển một số SGK sang chữ nổi. Bộ GD&ĐT đang thảo luận với nhà tài trợ để thiết kế lại, tái phân bổ và chỉnh sửa sổ tay. Dự tính, nguồn tiền sẽ chi dùng để tái cấu trúc kinh phí dự án tiếp tục triển khai như chi một phần nhỏ cho chuyên gia quốc tế về SGK để xây dựng tài liệu hướng dẫn cũng như thẩm định SGK đảm bảo chất lượng; tập huấn giáo viên; tăng kinh phí mua sách cho thư viện vùng khó khăn...
Trong khi những lùm xùm xoay quanh câu chuyện viết, thẩm định SGK lớp 1 kéo dài trong suốt năm qua chưa ngã ngũ, thực tế thời gian cho năm học 2020 - 2021 cũng đã sắp sửa cận kề. Một vấn đề quan trọng, đó là các địa phương được lựa chọn như thế nào trong 32 bộ sách đã được phê duyệt cũng trở thành vấn đề nan giải. Bởi vẫn dưới danh nghĩa là các địa phương được lựa chọn bộ sách sử dụng cho địa phương mình trong số 32 bộ sách đã được phê duyệt có một nhà xuất bản chiếm đa số.
Không đồng tình với cách cho phép nhà xuất bản được thực hiện biên soạn, rồi in ấn SGK lớp 1, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến khọc Việt Nam cho rằng, cách giải quyết của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua là chưa thấu đáo nên người dân lo ngại chuyện độc quyền trong biên soạn, in ấn, phát hành SGK lớp 1. Cách mà Bộ GD&ĐT cho phép các nhà xuất bản được độc tôn trong in ấn, xuất bản sẽ dẫn đến người dùng phải mua sách của nhà xuất bản, trong khi giá cả thế nào sẽ do nhà xuất bản ấn định.
Không cẩn thận, học sinh bị loạn sách
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, Bộ GD&ĐT có tiền để viết SGK nhưng lại không viết mà để cho các nhà xuất bản viết, rồi người dân sẽ phải mua những sản phẩm đó. Đáng lẽ, Bộ GD&ĐT phải có một bộ sách riêng để nhân dân lựa chọn cạnh tranh với các đơn vị khác. Hoặc cho phép người dân, nhà trường khi chọn sách, có thể mua bản quyền, trả tác giả tiền, rồi tự tổ chức in ấn sách sao cho phù hợp kinh tế của địa phương. Thậm chí, nhà trường có điều kiện có thể tự in sách ra, phục vụ học sinh… không phải lúc nào cũng nhất thiết phải mua cả quyển sách, nhất là nội dung chỉ để tham khảo.
Chỉ ra một bất cập khác là hiện nay Bộ GD&ĐT đang "làm khó" địa phương, nhà trường trong lựa chọn SGK lớp 1, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, Bộ cho phép được tự chọn SGK, trong khi lựa chọn sách ra sao đến nay chưa có quy định cụ thể nào cả, đến nội dung các cuốn sách được phê duyệt ra sao chắc hẳn chưa ai biết để mà lựa chọn. Nếu được tự do lựa chọn, sẽ dẫn đến tình huống rắc rối đó là mỗi trường chọn một loại, hai trường cạnh nhau nhưng sử dụng hai bộ sách khác nhau… Thậm chí, một trường học có thể chọn bộ sách này, nhưng sau một học kỳ lại thấy không phù hợp, "sửa sai" bằng cách sang học kỳ lại thay lại sách.
"Khâu thẩm định để lựa chọn SGK nào phù hợp sử dụng tại địa phương cũng rất quan trọng. Trước tiên, phải loại bỏ tính độc quyền, lợi ích nhóm trong đó. Sau đó, khâu thẩm định phải rất tỷ mỉ, Hội đồng thẩm định tại địa phương trước tiên phải là các chuyên gia, những người giàu kinh nghiệm trong giáo dục, tiếp đến là những giáo viên, những người luôn theo sát học sinh, biết học sinh hiện nay cần những gì để từ đó lựa chọn những bộ sách phù hợp", PGS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Về vấn đề tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 tại các địa phương, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn SGK sẽ có quy định, giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố SGK được dùng.
Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các Sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các nhà trường tập huấn, nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản. Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, sách giáo khoa lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.