Từ mùng 1 đến 15 tháng 7 âm lịch, các gia đình người Việt sẽ làm lễ cúng chúng sinh, cúng gia tiên và cúng Phật để bày tỏ tấm lòng với người âm, dành tâm đức cho những "cô hồn, dã quỷ" không nơi nương tựa và cũng là dịp tưởng nhớ ông bà, tổ tiên nhân lễ Vu Lan báo hiếu. 

Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh. Phóng sinh là thể hiện lòng từ bị của con ngườit, tâm không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình, phóng sinh biểu đạt lòng thiện của chúng sinh.

Vào dịp này, người ta thường phóng sinh chim, cá, ốc, lươn... nhưng việc làm tốt đẹp này đang ngày càng mất đi nét đẹp.

Việc phóng sinh đang ngày càng bị mất đi nét đẹp.

Thả chim, cá phóng sinh là một việc thiện và dễ làm, nhưng chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ, vô tình tiếp tay cho những người đi đánh bắt gây thêm nghiệp sát. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật.

Chưa kể đến việc sau khi con người thực hiện lễ phóng sinh, số lượng chim, cá, ốc ... sẽ tiếp tục bị bắt lại một lần nữa rồi lại bị bán, mua, phóng sinh thành một vòng tròn luẩn quẩn. Hành động này đã biến lễ phóng sinh trở thành cơ hội để thương mại hóa và gây mệt mỏi, sợ hãi cho các loài vật bị phóng sinh. 

Ngoài ra, việc phóng sinh không đúng cách còn có thể gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng. Vì thế muốn làm việc thiện, tu thân thiện, tích phúc đức vào ngày Rằm tháng 7 chỉ nên thực hiện đúng những nghi lễ truyền thống, không nên đốt vàng mã linh đình và càng không nên làm lễ phóng sinh các loài vật bằng cách mua rồi thả. 

Phóng sinh sai cách còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Theo Đại đức Thích Đức Thiện, đi săn bắt hoặc mua bán chim thú rồi lại "phóng sinh" là làm trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. Việc "phóng sinh" phải do thành tâm làm phúc, cứu khổ, cứu nạn và được làm trong hoàn cảnh ngẫu nhiên chứ không phải là dịp định sẵn như thế này.

Ngoài ra, việc "phóng sinh" phải vô tư trong sáng và được thực hiện suốt quanh năm chứ không chỉ riêng trong ngày Rằm tháng Bảy. Vậy, chúng ta phóng sinh thế nào cho đúng?

Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Theo nhà Phật, lòng từ bi là điều rất cần thiết nhưng từ bi phải có trí tuệ. Ở góc độ tương đối, khi thực hiện phóng sinh, chúng ta có thể thực hiện theo ý nghĩa sau:

Việc phóng sinh sẽ có ý nghĩa khi chúng ta thực hiện cứu mạng các loài vật do vô tình, không vì cầu xin cho bản thân và không chủ đích vào dịp lễ lạt nào.

- Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh...).

- Phóng sinh bằng cái tâm chứ không chạy theo phong trào, làm việc bằng chính kiến chứ không chạy theo số đông.

- Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác.

- Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ.

- Trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh nhưng chúng ta cũng không nên quá hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, nghi lễ ngắn gọn, không nên nặng phần hình thức.

Tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm, có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.

Theo Khánh Nguyễn (tổng hợp)/Đô Thị Mới