Bảng xếp hạng Nature Index công bố mỗi năm phản ánh về quy mô công bố và mức độ sự hợp tác nghiên cứu chất lượng cao ở cấp cơ sở giáo dục đại học/nghiên cứu, cấp quốc gia và khu vực. Nature Index chọn lọc ra 82 tạp chí hàng đầu thế giới từ hàng chục nghìn tạp chí quốc tế uy tín như: Nature, Cell, Science, Nano Letters, Geophysical Research Letters, Journal of The American Chemical Society, Macromolecules… để đưa vào đánh giá xếp hạng, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sự sống và khoa học trái đất.

Thời gian các công bố được tính là từ 1-8-2018 đến 31-7-2019.

Theo đó Các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam có tên trong top 10 của Bảng xếp hạng này bao gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Phenikaa; Trường Đại học Duy Tân; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (tại Việt Nam); Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Top 10 trường công bố quốc tế hàng đầu tại Việt Nam

Kết quả xếp hạng Nature Index về công bố của quốc gia, tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học được tính bằng hai tiêu chí:

Số bài viết (Article Count, AC): Được tính cho quốc gia hoặc tổ chức nghiên cứu nếu bài báo đó do một hoặc nhiều tác giả đến từ quốc gia đó hoặc tổ chức đó thực hiện, bất kể có bao nhiêu đồng tác giả đến từ bên ngoài tổ chức hoặc quốc gia đó.

Tỷ lệ công bố (Fractional Count, FC): Là tỷ lệ phần trăm tính theo công thức số tác giả của cơ sở giáo dục đại học (hoặc quốc gia) và số cơ sở giáo dục đại học chủ quản của các tác giả đó trên một bài viết. Để tính toán FC, tất cả các tác giả được coi là đóng góp như nhau cho một bài viết. Mỗi bài viết có chỉ số FC kết hợp tối đa là 1.0.

Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ và sức cạnh tranh của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho KH&CN là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018.

Theo Pháp luật & Xã hội