Hiện nay, cuộc sống số đầy tiện ích với các thiết bị công nghệ và mạng internet đang mang lại nhiều cơ hội cho con người nhưng cũng kèm theo đó là những nguy cơ, rủi ro luôn thường trực.
Việt Nam là một trong những nước có mức độ thâm nhập internet cao trên thế giới. Dù tiếp nhận không quá sớm (năm 1997 Việt Nam mới chính thức hòa vào mạng internet toàn cầu) nhưng với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, công nghệ số - internet đã thực sự đi sâu vào đời sống thường ngày của người Việt.
Do đó mà trẻ em Việt Nam ngày càng được tiếp xúc sớm với môi trường mạng internet. Đây có thể xem là một cơ hội cho sự phát triển về nhiều mặt của các em cũng như cho thấy sự văn minh, hiện đại trong đời sống vật chất, kỹ thuật công nghệ ở nước ta.
Tuy nhiên, trẻ em nói riêng và người Việt nói chung hầu như không mấy ý thức được về mặt trái của internet cũng như thiết bị số, từ đó dẫn đến mất an toàn khi tham gia môi trường mạng. Đây là vấn đề đáng lo ngại hiện nay mà dư luận xã hội quan tâm.
Những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải khi tham gia môi trường mạng là sự lợi dụng của những kẻ xấu từ sự chia sẻ thông tin cá nhân hay bí mật đời tư. Tình trạng xâm hại tình dục, bóc lột, lừa đảo cũng gia tăng.
Các trò chơi online, thông tin thiếu lành mạnh hay các trang web độc hại cũng tác động xấu tới sự phát triển về nhận thức, tinh thần và cả thể chất của trẻ em. Phổ biến nhất là hiện tượng nghiện mạng xã hội, nghiện game online, thậm chí là nghiện… sex và xu hướng dậy thì sớm.
Nguyên nhân cho những nguy cơ này xuất phát từ nhiều hướng. Trong số đó, việc không đủ nhận thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng là dễ nhận thấy nhất ở cả người lớn và trẻ em.
Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng con cái trên môi trường mạng. Nhưng có rất nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ hoặc cũng không đủ hiểu biết để lưu tâm về vấn đề này. Vậy nên đây có thể xem là giai đoạn chuyển giao, tồn tại những khoảng cách giữa các thế hệ trong xã hội.
Đa số phụ huynh là những người ít tiếp xúc với môi trường mạng nên cũng chưa có nhận thức đúng đắn và kỹ năng bảo vệ mình trong môi trường này. Vì chính bản thân lại tụt hậu so với con cái nên họ không thể định hướng về sự an toàn trên môi trường mạng cho con em mình.
Trẻ em là những đối tượng chưa hoàn thiện về nhận thức, chưa đủ kỹ năng để tự bảo vệ bản thân nên dễ có sự lệch lạc và dễ bị tổn thương. Khi cha mẹ, gia đình không định hướng tốt thì nguy cơ đó càng dễ xảy ra.
Ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia an toàn thông tin chia sẻ: “Kỹ năng bảo vệ mình trong cuộc sống số của chúng ta rất yếu. Có thể nói là “vô minh” – tức là không hiểu biết. Các thế hệ sau tiếp xúc với internet từ rất sớm, thế hệ trước lại ít tiếp xúc và không kiểm soát được và không định hướng an toàn được cho con cái. Nếu như các em khong được trang bị kỹ thì rất dễ bị tổn hại trên môi trường mạng vì việc thiếu hụt kiến thức của mình.”
Trẻ em và nhất là lứa tuổi vị thành niên, các em có xu hướng dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, chủ yếu là các blog, trang cá nhân, mạng xã hội nhưng không lường trước được hậu quả. Không ít kẻ xấu lợi dụng những thông tin đó để lừa gạt, xâm hại các em.
Không chỉ có vậy, môi trường mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội có thể trở thành công cụ “sát thương” người dùng. Không ít trường hợp dẫn đến trầm cảm, tự tử, tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần khi các em bị đưa hình ảnh, bí mật riêng tư lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự cá nhân. Internet là ảo nhưng hậu quả từ mặt trái của nó gây ra rất thực trong đời sống con người.
Các trang web độc hại với nội dung thông tin sai lệch về tư tưởng, khiêu dâm, phản động cũng dễ ảnh hưởng tới trẻ em bởi trong nhiều vấn đề các em chưa nhận định được đúng đắn, dẫn đến lệch lạc về cảm xúc, nhận thức nếu như không có sự định hướng từ người lớn.
Không phủ định rằng môi trường mạng mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ nói riêng và mang lại tiện ích cho tất cả mọi người nói chung.
Nhưng cũng phải khẳng định rằng, giới trẻ chưa làm chủ được môi trường mạng mà ngược lại, một bộ phận còn bị phụ thuộc đến mức lệch lạc. Liệu có còn là cơ hội hay không khi chúng ta cứ mãi “vô minh” trong thời đại của “cuộc sống số”?