Liên quan tới sự việc trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị tố dùng thực phẩm bẩn chế biến cho học sinh, ngày 19/3, thông tin từ Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, cơ quan này đã có kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu thịt gà của công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành – đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường mầm non Thanh Khương.

Theo đó, ngày 5/3, sau khi phụ huynh phát hiện và tố trường dùng thịt gà ôi, nát để chế biến cho học sinh, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 2 mẫu “thịt gà thái miếng” và “xương gà” tại trường mầm non Thanh Khương và đưa tới Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia để kiểm nghiệm theo đúng quy định.

Trường mầm non Thanh Khương bị tố dùng thực phẩm bẩn chế biến cho học sinh.

Trường mầm non Thanh Khương bị tố dùng thực phẩm bẩn chế biến cho học sinh.

Ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành báo cáo, trường mầm non Thanh Khương có 568 học sinh, được đánh giá là một trường có chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát từ trước đến nay, trường chưa bao giờ có vi phạm về an toàn thực phẩm. Quá trình tìm kiếm đối tác cung cấp thức ăn được làm đúng quy định.

"Việc Công ty TNHH Hương Thành cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non là do 19 hiệu trưởng tự quyết định. Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng GD&ĐT can thiệp".

Căn cứ phiếu kết quả kiểm nghiệm số 3926/PKN-VKNQG đối với mẫu “thịt gà thái miếng” và phiếu kiểm số 3927/PKN-VKNQG đối với mẫu “xương gà” ngày 15/3 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, cho thấy kết quả kiểm nghiệm của 2 mẫu thực phẩm trên đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Báo cáo của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu thịt gà ở trường mầm non Thanh Khương là an toàn.

Báo cáo của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu thịt gà ở trường mầm non Thanh Khương là an toàn.

Liên quan tới hình ảnh thịt heo nghi nhiễm sán dây, Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cũng đã truy xuất nguồn gốc thực phẩm này tại trường vào hai ngày 14/2 và ngày 20/2.

Kết quả bước đầu cho thấy, nguồn gốc thực phẩm thịt lợn tại trường mầm non Thanh Khương là do Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành cung cấp.

Công ty này lại nhập thịt lợn từ hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Quả, Thuận Thành) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 

Tuy nhiên, truy xuất tại hộ kinh doanh của bà Hoàng Thị Hải lại cho thấy thịt lợn được mua từ một hộ khác cùng xã.

Còn với hộ kinh doanh của ông Đát, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Bắc Ninh có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Về vấn đề trường mầm non Thanh Khương không còn lưu mẫu thực phẩm thì làm sao điều tra được nghi vấn thị lợn nhiễm sán, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định như vậy là vi phạm pháp luật, vì quy định yêu cầu lưu mẫu.

"Kể cả có lưu mẫu, xét nghiệm mẫu không có vấn đề thì trường vẫn bị xử lý về nguồn gốc thực phẩm, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".

Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, sự việc nhiễm sán ở Bắc Ninh chưa được làm tốt, đặc biệt là việc cung cấp thông tin không thống nhất.

Việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường Thanh Khương sau đó tự nguyện đưa con cháu đi xét nghiệm là rất chính đáng.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng thông tin thêm, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu thì cũng không thể khẳng định có sán. Điều này được ghi trong tài liệu trong và ngoài nước.

Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán. Dương tính với sán, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Chỉ khi người dân đi ngoài ra đốt sán (nhiễm sán trưởng thành), nổi mụn hạch (nhiễm ấu trùng sán) thì mới phải điều trị.

"Điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. Một liều thuốc duy nhất có thể diệt được sán trưởng thành, ấu trùng thì có thể kéo dài hơn, nhưng khẳng định là có thuốc", ông Phong nói.

Thời gian tới, với kết quả xét nghiệm hai bệnh viện trung ương trả về là dương tính, thay vì đề nghị sau hai tuần khám lại, Bộ sẽ kiến nghị cán bộ bệnh viện trong giai đoạn chờ tái khám xuống trực tiếp địa phương, cùng y tế kiểm tra theo dõi.

"Vì kết quả dương tính chưa khẳng định chắc chắn nhiễm sán, cũng chưa chỉ định điều trị. Chỉ khi giám sát tại cộng đồng, các cháu dương tính có biểu hiện bệnh thì mới điều trị".

Trước đó, cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2019, hàng trăm phụ huynh trường mầm non Thanh Khương phản ánh trường này sử dụng thịt lợn nổi hạch, nghi có sán và thịt gà ôi chế biến cho học sinh ăn.

Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Theo Hàn Vi (tổng hợp)/ Đô thị mới