WB duyệt Dự án Cải thiện môi trường nước cho hơn nửa triệu người dân phía Nam
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, nhằm cải thiện đáng kể chất lượng nước và xử lý nước thải cho hơn nửa triệu người dân ở đây.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: “Tại Việt Nam, những thách thức như nước thải chưa qua xử lý và hệ thống thoát nước chưa phù hợp gây tổn hại đến sức khỏe và có nguy cơ làm giảm GDP 3,5%/năm tính đến năm 2035. Dự án này là một bước quan trọng trong nỗ lực tạo ra môi trường sạch hơn, lành mạnh hơn ở tỉnh Bình Dương, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Với tổng mức đầu tư 311 triệu USD, bao gồm 231 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, dự án được thiết kế nhằm chuyển đổi căn bản hoạt động quản lý nước thải tại các thành phố: Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích hơn 33.000 ha và dân số khoảng 1,4 triệu người.
Khả năng thu gom và xử lý nước thải ở những khu vực này hiện vẫn còn hạn chế, với độ bao phủ rất thấp. Dự án đầu tư sẽ giúp mở rộng đáng kể các dịch vụ này, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 550.000 người dân vào năm 2032.
Dự án cũng sẽ tăng tỷ lệ nước thải qua xử lý từ dưới 10% lên 32% tại TP. Tân Uyên và từ 17-19% lên 45% tại TP. Thuận An và TP. Dĩ An. Tăng tỉ lệ nước thải được xử lý ở các khu đô thị có mật độ cao này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm ô nhiễm trên hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Thiết kế kỹ thuật của dự án đã tính đến các kịch bản khí hậu trong tương lai, đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi, thích ứng và bền vững về lâu dài, bao gồm việc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, dự án cũng lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, chú trọng hiệu quả sử dụng tài nguyên và tính bền vững. Đơn cử, việc sử dụng đèn LED và tấm pin mặt trời sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng, trong khi việc tái sử dụng bùn và nước thải đã qua xử lý sẽ góp phần quản lý tài nguyên bền vững hơn. Số vốn đầu tư còn lại 80 triệu USD là nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước.
Tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh
Trước đó, nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB cho rằng, bên cạnh các thách thức từ bên ngoài nền kinh tế Việt Nam cũng gặp một vấn đề nghiêm trọng từ nội tại là đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp.
Theo bà Dorsati Madani, năm vừa qua Việt Nam đã chịu tác động của 4 cuộc khủng hoảng chồng lấn từ bên ngoài, gồm: Khủng hoảng kinh tế, chiến tranh Nga - Ukraine, giá cả tăng cao và lạm phát ...
Ở trong nước, đầu tư tư nhân ở mức thấp nhất trong lịch sử, cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những vấn đề cần thời gian để giải quyết chứ không thể xử lý "một sớm một chiều". Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn và cần nhiều chính sách hỗ trợ, bà Madani đánh giá.
Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, bà Dorsati Madani cho rằng muốn phục hồi kinh tế Việt Nam cần cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước. Phải xử lý những yếu tố nội tại để làm nền tảng cho các lĩnh vực khác phục hồi. Xuất khẩu, thương mại quốc tế được WB dự báo sẽ phục hồi trong năm sau khi các nền kinh tế khác gia tăng nhập khẩu .
Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng sẽ giảm và lạm phát tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ giảm. Đây là các yếu tố sẽ thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.
"Chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi từ từ trở về mức trước đại dịch với mức tăng trưởng 2024 đạt 5,5% nếu chính sách điều hành khôn ngoan, trong đó tập trung vào thúc đẩy kinh tế tư nhân”, vị chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, bà Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. Tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu nếu làm tốt có thể giúp GDP tăng trưởng từ 1,8 - 2%.
“Chúng tôi khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời”, bà Madani cho biết.
Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ. Về phía các ngân hàng, vị chuyên gia WB nhấn mạnh giới ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.
“Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này”, bà Madani chia sẻ.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/wb-tuong-lai-cua-viet-nam-la-chuyen-doi-so-va-xanh-114724.html