Sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU đã hồi phục đáng kể, bất chấp tình hình dịch bệnh tại thị trường EU vẫn còn phức tạp.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 5/2021 ước đạt 1,95 tỷ USD, tăng 13,4% so với tháng 4/2021 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả khả quan trên là nhờ các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước đã đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Theo thống kế của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU được cấp C/O mẫu EUR.1 là 1,37 tỷ USD. Con số này tăng nhanh trong quý I/2021 với 1,17 tỷ USD, đạt 98,98% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
Chia sẻ với báo chí, theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA dù khá chặt nhưng giống với tiêu chí xuất xứ trong GSP EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt.
Hơn nữa, lộ trình cắt giảm thuế quan của EU dành cho giày dép Việt Nam khá nhanh và sâu. 100% các dòng hàng giày dép được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm. Trong đó, một số mặt hàng cơ bản được cắt giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng khác có lộ trình cắt giảm dài hơn nhưng cũng chỉ từ 3 - 7 năm. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam được hưởng thuế 0% (có lợi hơn so với GSP) ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, ngành giày dép Việt Nam cũng có lợi thế khi hiện nay phần lớn các nước xuất khẩu giày dép vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.
Đặc biệt, khi so với mặt hàng dệt may, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt.
Dù các FTA có hiệu lực đem lại cơ hội rất lớn cho xuất khẩu ngành giày dép của Việt Nam, nhưng khả năng tận dụng được cơ hội vẫn là thách thức với nhiều doanh nghiệp.
Những vấn đề mà các doanh nghiệp ngành giày dép trong nước thường gặp khó khăn gồm chi phí vận chuyển, giao hàng xuất khẩu (do số lượng container quá khan hiếm) và giá thuê container tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc phát triển nguyên phụ liệu vẫn chủ yếu kêu gọi và phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước hiện nguồn lực yếu, rất ít doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện 60% nguyên phụ liệu của ngành vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước; tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ để tự tin áp dụng; nắm bắt nhu cầu của từng thị trường trong từng tình hình cụ thể để phát triển và sản xuất các mặt hàng phù hợp.
Trong dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng dịch chuyển từ gia công cắt may lên FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm) và ODM (thiết kế - sản xuất - bán thành phẩm); đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng thị trường; đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên môn giỏi, sáng tạo có khả năng thích ứng với chuyển giao công nghệ.
Nguồn: https://congly.vn/xuat-khau-giay-dep-sang-eu-tang-manh-nho-evfta-188987.html