Đô thị thông minh là hướng đi tất yếu

Những năm gần đây, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển đô thị thông minh. Rất nhiều các cam kết, thoả thuận hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng là các quốc gia, tổ chức đã phát triển thành công đô thị thông minh bao gồm: Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới,… và gần đây nhất là với cộng đồng chung ASEAN để xây dựng mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.

Tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”. Việt Nam xác định đô thị thông minh bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, mục tiêu nhân văn của đô thị thông minh là hướng đến cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị bền vững.

Đô thị thông minh là hướng đi tất yếu hiện nay.

Xác định tầm nhìn dài hạn sẽ giúp Việt Nam có được những định hướng đúng đắn trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các đô thị thông minh, Việt Nam cần cụ thể hóa từng giai đoạn, chỉ rõ các vấn đề cần giải quyết để phù hợp với nguồn lực hiện có.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước”.

Bên cạnh đó, quyết tâm của Chính phủ về đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là hết sức rõ ràng. Những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo xác định phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Quy hoạch đô thị thông minh là bước khởi đầu cho phát triền đô thị bền vững

Có thể bạn quan tâm
  • 5 trụ cột phát triển đô thị thông minh

Trước mục tiêu hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, vai trò trụ cột của quy hoạch đô thị thông minh trở thành yếu tố tiên quyết, là lĩnh vực đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo. Do đó, cần sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh nhằm đảm bảo tính chiến lược, bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, từ kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh cần phải đi từ quy hoạch thông minh, xây dựng các công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch với việc lồng ghép những nội dung này vào chiến lược đô thị hóa.

Chỉ ra được các vấn đề cần phải xây dựng và phát triển cho đô thị thông minh, yếu tố thiết kế và quản lý quy hoạch phải được đặt lên trên hết. Ở giai đoạn đầu, rất cần đội ngũ kiến trúc sư, những nhà quản lý đô thị tham gia tìm hiểu, thiết kế quy hoạch và cùng xây dựng nền tảng cho các ứng dụng của đô thị thông minh cần có.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết thêm: “Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam với 3 trụ cột chính là quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn, giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.”

Đồng quan điểm đó, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam trả lời phỏng vấn bên lề với Reatimes cũng cho rằng: “Hiện nay, cần khẳng định quy hoạch đô thị thông minh là vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý phát triển đô thị thông minh.

Trung ương đã ban hành những nghị quyết về việc xây dựng các chủ trương chính sách xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, Trung ương cũng ban hành các chương trình hành động để triển khai các chủ chương chính sách và phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.

Điều này đã nêu rõ tầm quan trọng của quy hoạch đô thị thông minh đi kèm các tiện ích và quá trình triển khai quản lý, vận hành với mục tiêu hướng tới là phục vụ người dân và sự phát triển bền vững”. 

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra trong quy hoạch đô thị thông minh phải có sự tích hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và cần giữ được bản sắc vùng miền riêng của các đô thị. Trên nền tảng đó, đô thị thông minh Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Đầu tư và Phát triển dự án - Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest đưa ra nhận định: “Vai trò quy hoạch xây dựng là vai trò số một, nó xác định chiến lược, mục tiêu và chiến lược mục tiêu đó phải đi kèm với các vùng miền và ứng dụng công nghệ nào. Công nghệ nào phục vụ cho tất cả các chiến lược ban đầu của quy hoạch.”

Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp phải không ít trở ngại trong quá trình quy hoạch đô thị thông minh. Các đô thị vẫn bộc lộ sự thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị. Hệ thống quy hoạch đô thị còn những bất cập về cả thể chế và phương pháp quản trị. Mặt khác, nhiều vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông,… chưa được giải quyết. Điều này đòi hòi phải có sự ngồi lại, trao đổi giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người dân để có được sự đồng thuận chung.  

06 nguyên tắc quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát triển đô thị thông minh:

Thứ nhất, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Thứ hai, phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thứ ba, tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Thứ tư, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Thứ năm, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.


Theo Reatimes