Cạnh tranh tạo xu hướng mới

Việc cạnh tranh giữa các kênh phân phối là một phần nguyên nhân tạo nên các xu hướng mới trong ngành bán lẻ của Việt Nam

Hệ thống phân phối có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi một quốc gia. Ở Việt Nam, hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người, với một thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng cuối cùng xã hội so với GDP luôn đạt trên 70%/năm. 50% dân số Việt Nam là dân số trẻ, thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị phần.

Những doanh nghiệp có thế mạnh chắc chắn sẽ hình thành những tập đoàn bán lẻ lớn dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và cuộc đua ngày càng quyết liệt hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, trong xu thế muốn phát triển nhanh, bền vững và tăng quy mô phục vụ và cạnh tranh giữa các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường, cộng với sự cởi mở chính sách ngày càng tăng của nhà nước Việt Nam trong việc phát triển hệ thống phân phối đã xuất hiện những xu hướng mới trong lĩnh vực này:

Xu hướng tích tụ trong bán lẻ

Trong khoảng 4-5 năm gần đây, xu hướng mua bán sáp nhập liên doanh liên kết nở rộ trong lĩnh vực bán lẻ từ đó đã xuất hiện những tập đoàn bán lẻ mạnh mẽ qua tích tụ tập trung một thời gian. Họ có sức cạnh tranh cao trên thị trường và cả những sức ép đầu vào và đầu ra của giá cả, chất lượng hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng và tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho mình. Những vụ mua bán lớn của các tập đoàn Central Group và TTC của Thái Lan đối với Metro. Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go, Saigon Coop với Auchan... là những ví dụ điển hình của hiện tượng này trên thị trường Việt Nam gần đây. 

Những doanh nghiệp có thế mạnh chắc chắn sẽ hình thành những tập đoàn bán lẻ lớn dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và cuộc đua ngày càng quyết liệt hơn. Những doanh nghiệp nhỏ bé quản trị doanh nghiệp kém, thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn thua lỗ, tất yếu sẽ dẫn tới bị thôn tính, sáp nhập và phá sản, mất thương hiệu trên thị trường.

Xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách đi tới mua hàng

Một vài năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn có xu hướng phát triển những trung tâm mua sắm giải trí dịch vụ,… sử dụng nền tảng các công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ. Điển hình như các trung tâm Vincom Mega Mall , Aeon Mall,… đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường tiêu dùng. Ngược lại, những siêu thị , trung tâm thương mại hàng hóa đơn điệu, phục vụ riêng một số phân khúc khách hàng, không có các dịch vụ đa dạng kèm theo như Parkson, Auchan đã lần lượt phải đóng cửa, đó là một kết cục tất yếu.

Xu hướng xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền

Sản phẩm nông nghiệp ở nước ta rất phong phú, đặc biệt là các địa phương trong cả nước và đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chính điều này đã khiến cho các tập đoàn bán lẻ lớn chú ý tới. Họ tổ chức hậu cần tại chỗ cho chuỗi phân phối của mình, vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí sản xuất vận chuyển, bảo quản và thu hoạch, tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh và có uy tín về chất lượng, tạo đà cho xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ.

Khởi đầu là Metro Cash & Carry và bây giờ là Central Group của Thái Lan, tiếp theo là các trung tâm thu mua kiểm định hàng hóa của Aeon, Vingroup, Saigon Coop tại các vùng miền có thế mạnh sản xuất của đất nước. Đây là con đường đi đúng đắn để gây dựng đầu vào và đầu ra một cách ổn định cho sự phát triển của họ.

Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kênh sản xuất, mua bán, phân phối tại các vùng miền, tạo nên một chu trình khép kín nhằm giảm chi phí, đem lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân

Một xu hướng bán hàng đa kênh

70% dân số Việt Nam đang sử dụng các thiết bị di động và với xu hướng phát triển như vũ bão của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo AI, Big Data,… việc bán hàng qua mạng trở nên dễ dàng, phổ biến đối với các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp bán đã thực hiện việc bán hàng của mình trên đa kênh, đã phương tiện.

Mặc dù hướng phát triển bán hàng đa kênh là tất yếu nhưng còn nhiều vấn đề trong việc quản lý Nhà nước ở kênh phân phối đầy triển vọng này ở thị trường Việt Nam.

Những tác động của hệ thống phân phối – bán lẻ với sản xuất và tiêu dùng

Ngoài sức ép về cạnh tranh nhiều mặt đã nêu ở trên thì hệ thống phân phối phát triển cũng có những cạnh tranh mang lại những hiệu ứng tích cực cho sản xuất trong nước, cho hàng Việt Nam.

Hiện nay, tiêu chuẩn để đưa hàng hóa vào các siêu thị rất cao, bao gồm nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác,… chính những tác động và yêu cầu của các siêu thị làm biến đổi những thói quen xấu không có lợi cho sản xuất bền vững, cho tiêu dùng và cả môi trường xã hội của các tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa trong nước. Thay vào đó là xuất hiện hàng nghìn chuỗi sản xuất phân phối khép kín và đồng bộ để xây dựng thương hiệu và phục vụ người tiêu dùng xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, sạch, tăng năng suất lao động trong sản xuất hàng hóa, nông sản thực phẩm.

Ngoài tác động tích cực với sản xuất thì sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ chân chính, làm ăn nghiêm túc, còn phục vụ đắc lực cho người tiêu dùng, tạo nên những khách hàng thân thiết của hệ thống phân phối, mang tính chủ động, an toàn cao trong mua sắm hàng hóa; giải quyết kịp thời những khiếu nại của người tiêu dùng trên những cơ sở chắc chắn tin cậy.

Nhiều siêu thị lớn đã thực hiện việc ép chiết khấu, ép giá bán,... đối với các nhà cung cấp khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn khi đưa hàng hóa vào siêu thị

Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực trên, trong quá trình cạnh tranh ở thị trường Việt Nam cũng có những mặt trái của nó. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay thường xuyên xuất hiện những hiện tượng một số siêu thị lớn có doanh số cao, có uy thế về kí kết hợp đồng và đàm phán đã ép chiết khấu, ép giá bán, giá mua đối với các nhà cung ứng, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.

Những chi phí vô lý, đầy rủi ro cho nhà sản xuất và cung ứng đó sẽ đẩy giá thành hàng hóa Việt Nam cao lên so với giá trị sử dụng, từ đó hàng hóa Việt khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, tạo điều kiện xâm nhập ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0 và công nghệ sản xuất tiên tiến hơn. Đồng thời gây khó khăn trong việc thực hiện khẩu hiệu “Hàng hóa Việt phải chiếm lĩnh thị trường nội địa”, từ đó hậu quả người tiêu dùng vào siêu thị mua hàng sẽ phải mua một mức giá cao hơn không đáng có của những siêu thị làm ăn chưa được tử tế.

Ngoài ra, thế mạnh của một số siêu thị, nhất là siêu thị ngoại như Big C cũng tạo ra những vụ việc trong tháng 4/2019 vừa qua. Chỉ bằng một văn bản trong 1-2 ngày hoặc cú điện thoại gửi đến nhà cung ứng vải sợi cho họ là họ có quyền ngừng đột xuất và vô lý tiếp nhận hàng hóa mà các nhà cung ứng đã gắn bó, tạo doanh số lợi nhuận cho Big C trong thời gian 10-20 năm qua.

Dư luận xã hội cho đây là một sự kiện động trời ở thị trường bán lẻ Việt, mong rằng điều đó không xảy ra một lần nữa. Ngoài ra, chuỗi giá trị sản xuất phân phối ở nước ta hiện nay đang được phân chia một cách tự nhiên và không hợp lý, phần lớn lợi nhuận khoảng 70% sau khi bán ra thì rơi vào khu trung gian xuất khẩu và bán lẻ, khoảng 30% còn lại rất nhỏ bé cho nhà sản xuất - nơi tạo ra nguồn của cải vật chất, góp phần ổn định kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới