Người tiêu dùng có lý khi chưa quyết định mua ô tô ngay thời điểm cuối năm 2017 cho dù giá xe tiếp tục giảm. Vì họ tin vào 8 nguyên nhân dưới đây:
1. Thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ Asean về mức 0%
Theo quyết định của Bộ Tài Chính, kể từ đầu năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Asean sẽ về mức 0%. Nếu so với mức 40% của năm 2016 thì con số này là mơ ước bao năm của người Việt. Khi mức thuế này được áp dụng chính thức, một mẫu xe trước đây có giá 1 tỷ nay chỉ còn 600 triệu. Người mua sẽ tiết kiệm được một khoảng chi phí rất lớn. Mặt khác, sự du nhập của nhiều dòng xe ngoại quốc giúp cho người dùng có nhiều mẫu mã hơn để lựa chọn.
2. Bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Trước đây, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là từ 15 đến 18%. Kể từ tháng 9 năm nay, mức thuế này đã được gỡ bỏ. Thời gian áp dụng cho quyết định mới này là trong vòng 5 năm từ 2018 đến 2022. Tuy để được hưởng ưu đãi trên, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải đáp ứng tối thiểu giá trị hàm lượng sản xuất trong nước tăng dần và đạt 40% vào năm 2022, nhưng người dùng không quá lo lắng, vì áp lực cạnh tranh các đơn vị này sẽ biết phải làm gì. Với chính sách mới này, người mua có thể tiết kiệm cao nhất đến 18% vào tài khoản của mình khi mua 1 chiếc ô tô - một con số không hề nhỏ.
3. Thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 5%
Theo biểu suất thuế TTĐB mới nhất thì đến ngày 1/1/2018, đối với dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh nhỏ hơn 1.500 cm3 có thuế suất 35%, giảm 5% so với mức 40% trong năm 2017. Vậy là người mua ô tô sẽ bỏ túi thêm 5% nữa so với trước đây.
4. Tỷ lệ nội địa hóa được đẩy dần lên
Nói cho cùng, những chính sách giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho xe lắp ráp trong nước. Minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa được Bộ Tài Chính quy định phải tăng dần từ mức 40% trở lên. Hiểu hơn ai hết, ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô đang chạy đua đầu tư nâng cấp tỷ lệ trên bằng nhiều cách, lợi nhuận từ việc kinh doanh ô tô ở Việt Nam vẫn rất cao. Còn người tiêu dùng thì tin rằng, khi số lượng doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa ngày càng nhiều thì giá xe chắc chắn sẽ có xu hướng giảm thêm.
5. Chi phí nhân công trong nước thấp
Chi phí doanh nghiệp sản xuất ô tô đầu tư cho nhân công làm việc trong nước luôn thấp hơn so với nước ngoài. Đó là một lợi thế mà ngay cả doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn đặt nhà máy sản xuất ở nước ta. Chi phí nhân công thấp, kéo theo chi phí đầu tư sản xuất cho ô tô cũng giảm theo, khi đó doanh nghiệp trong nước có thể điều tiết được giá bán mà vẫn không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
6. Áp lực cạnh tranh
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài muốn gia nhập thị trường Việt Nam, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lắp ráp trong nước và cạnh tranh lẫn nhau giữa 2 nhóm này sẽ là nguyên nhân lớn giúp cho giá ô tô sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Để bán được hàng, điều tất yếu các nhà sản xuất phải giảm giá bán hoặc tăng các hình thức khuyến mãi một khi đã bước vào luật chơi.
7. Quyết định từ người tiêu dùng
Theo một chủ doanh nghiệp “có nghề” trong lĩnh vực này cho biết, hiện nay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô không còn quyền tự quyết về giá bán mà thay vào đó là người tiêu dùng. Thật vậy, nếu cứ cái đà giảm giá như thời điểm hiện tại mà người mua vẫn cứ thờ ơ thì có kích cầu kiểu gì cũng vô ích. Vì người tiêu dùng đang nắm trong tay “cái cán” rằng: giá ô tô Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức “trên trời”.
8. Giá xe vẫn chưa về giá trị thực
Mặc dù chính sách thuế mới đã giúp ô tô tại Việt Nam rút ngắn sự chênh lệch về giá, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, ô tô Việt Nam vẫn cao hơn trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với các nước trong khu vực. Điều này khiến cho người tiêu dùng càng có thêm lòng tin về quá trình giảm giá của ô tô tại Việt Nam trong năm 2018.