Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch (29, 30,31/12/2018), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 116 vụ tai nạn giao thông làm chết 81 người, bị thương 41 người.
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Bộ Công an về tình hình tai nạn giao thông, chỉ tính riêng ngày 31/12/2018, toàn quốc xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường sắt và đường bộ, làm chết 29 người, bị thương 15 người.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 3.617 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng, tạm giữ 553 phương tiện, 947 giấy tờ các loại; kiểm tra, xử lý 374 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, phạt tiền 348 triệu đồng.
Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM, đến 31/12/2018, các tuyến đường chính, mật độ phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn, các tuyến đường nội đô tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thông thoáng.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là hành vi vi phạm tốc độ, đi sai phần đường làn đường,chuyển hướng không chú ý quan sát, lái xe sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm; đối tượng liên quan tới TNGT phần lớn là người đi xe môtô, xe gắn máy.
Trước đó, ông Thân Văn Thanh (nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT) đã nêu quan điểm lý giải việc có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra trong kì nghỉ lễ: “Theo tôi, vấn đề tình hình an toàn giao thông những ngày nghỉ lễ, Tết phức tạp hơn ngày thường đã thành quy luật xã hội bởi vào những ngày này mật độ người tham gia giao thông cao và phức tạp hơn ngày thường.
Đồng thời, những hiện tượng như xe khách chở quá số người quy định, xe máy kẹp ba kẹp bốn không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn đang tiếp diễn. Do vậy, số vụ tai nạn giao thông và mất an ninh trật tự vào những ngày này sẽ cao hơn ngày thường”.
“Đa phần các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia. Điều này cũng dễ hiểu bởi dịp nghỉ lễ, Tết, mọi người thường đi chúc nhau, nhiều khi uống quá chén nên tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Nhất là thanh niên, có lúc hứng lên chở 3-4 rồi lạng lách, đánh võng, trong khi không đội mũ bảo hiểm nên nếu xảy ra va chạm thường bị chấn thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Rất nhiều nạn nhân đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ nên tự gây tai nạn hoặc tông vào người khác”, ông Thanh lo ngại.
Theo ông Thanh, dù các các cơ quan chức năng đều có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thực tế ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Trong đó có cả nguyên nhân do chính những người thi hành công vụ chưa thực sự làm việc nghiêm túc dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.