Điều chỉnh âm dương để chữa bệnh
Theo khẳng định của một số người ăn chay, sau một thời gian kiên trì thực hiện chế độ thực dưỡng, họ đều cảm nhận sự thay đổi tích cực của cơ thể, sức khỏe được nâng lên. Cụ thể, ở một số người, những bệnh như đau lưng, tiểu buốt, đau nửa đầu, nóng trong người, dị ứng, mỡ trong máu đều thuyên giảm.
Để hỗ trợ điều trị bệnh, người ăn chay phải thực hiện kiên trì thực đơn tăng ngũ cốc, gạo lứt, trà dưỡng sinh, ăn ít dầu mỡ, giảm muối, đường và giảm thực phẩm gốc động vật.
Quá trình ăn để chữa bệnh, người dùng cũng ưu tiên các loại hạt nhiều dinh dưỡng như hạt hạnh nhân, óc chó, hạt sen, vừng, lạc, các loại đỗ và dầu nguyên chất ép từ các loại hạt.
Theo chị Thanh Vân (Bạch Mai - Hà Nội) - một người ăn chay trường và chuyên cung cấp thực phẩm chay cho một số ngôi chùa ở Hà Nội, sở dĩ ăn chay chữa được bệnh do dựa trên cơ chế cân bằng âm dương.
Khi âm dương cân bằng, sức đề kháng của cơ thể tăng lên. Các cơ quan nội tạng được bồi đắp, làm mới, nên tăng quá trình hoạt động, đào thải chất độc, thanh lọc máu, góp phần đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức khỏe cơ thể.
Chị Vân cho biết, hiện có nhiều cách ăn chay. Có thể ăn chay 1 tháng vài lần mục đích giảm gánh nặng cho dạ dày, hệ tiêu hóa, thanh lọc cơ thể; hoặc ăn chay theo chế độ giảm dần hoặc giảm một phần thức ăn từ động vật; hoặc 100% không ăn đạm độc vật (ăn chay trường).
Nhưng dù ăn chay theo cách nào, người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức từ sách báo, tư vấn qua các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay uy tín, tư vấn từ những người đã ăn chay nhiều năm.
“Nếu ăn chay với mục đích chữa bệnh, người bệnh có thể tham khảo phương pháp thực dưỡng Ohsawa Nhật Bản. Phương pháp này hướng tới cân bằng âm dương, hạn chế thực phẩm gốc động vật, sử dụng thực phẩm thuần thiên nhiên, không chất hóa học”, chị Vân chia sẻ.
Theo phương pháp ăn chay thực dưỡng, người phòng chữa bệnh nên quan tâm đến các chế độ ăn nhiều gạo lứt, bo bo, yến mạch, lúa mì, các loại đỗ như đỗ xanh, đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ... Những loại này có thể nấu riêng hoặc trộn chung với nhau ăn thay cơm, hoặc chế biến thành cháo, bún, phở…
Người ăn chay chữa bệnh nên chọn rau củ quả đúng mùa, chọn những loại rau củ có tác dụng chữa bệnh như củ sen, hạt sen, cà rốt, củ cải, ngưu bàng, các loại rau sạch, hạt mầm.
Cần quan tâm sử dụng các chế phẩm từ rong biển, đỗ tương lên men, các loại đậu mầm. Bởi những thực phẩm này dồi dào các loại vitamin A, B, D, E, Kali, Canxi, Magie, khoáng chất, cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh cho cơ thể.
Người bệnh nên sử dụng các loại trà thực dưỡng, tác dụng tốt với những bệnh như gan, thận, phổi, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch như trà bancha, trà gạo lứt ban cha, trà bồ công anh, trà gạo lứt đậu đỏ, trà củ sen…
Lưu ý thực đơn hỗ trợ chữa bệnh
Chị Vân chia sẻ, mỗi loại bệnh, có một phương pháp ăn, uống khác nhau. Nhưng với phương pháp thực dưỡng Ohshawa, chủ đạo vẫn là gạo lứt, ngũ cốc, rong biển, các loại đỗ lên men, hạt mầm từ nguồn thực phẩm sạch. Nếu người ăn kiên trì theo phương pháp dưỡng sinh, tôi khẳng định bệnh tật có thể thuyên giảm hoặc đẩy lùi.
Một số sách hướng dẫn thực hành dưỡng sinh như “Phương pháp thực dưỡng”, “Phương pháp tân dưỡng sinh”, “Sổ tay thực dưỡng” cũng chỉ ra, có rất nhiều loại ngũ cốc, trà thảo dược, hoặc các loại hạt quen thuộc trong cuộc sống, có tác dụng điều trị bệnh.
Theo đó, những loại thực phẩm sắn dây, mè đen (vừng đen), nhâm sâm, hành tây, quả óc chó, trái thông, bạch quả, bồ công anh, hạt hướng dương.., có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu.
Các thực phẩm như lúa mạch, ngưu bàng, hẹ, ngải cứu, lá củ cải trắng, lá nhân sâm, giúp thúc đẩy bài tiết.
Củ cải trắng, bí đao, khoai môn, nấm đông cô, khoai lang, củ từ, hành tây, củ kiệu, vừng đen, củ sen, hạt sen, nhân sâm, quả óc chó, rong biển, nước tương.., giúp trung hòa, đào thải chất độc, nâng cao chức năng thận.
Từ kinh nghiệm nhiều năm ăn chay và cung cấp thực phẩm cho những người ăn chay, chị Vân chia sẻ, cũng không cần một thực đơn chuẩn cho từng ngày đối với người ăn chay chữa bệnh.
Tuy nhiên, với từng loại bệnh, bệnh nhân cần được tư vấn để hướng tới một số thực phẩm trọng tâm, giúp cải thiện lục phủ ngũ tạng, tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch để hỗ trợ quá trình điều tri bệnh.
Vào buổi sáng, bệnh nhân có thể ăn cháo gạo lứt, bột sữa thảo mộc, bột gạo lứt, cà phê thực dưỡng, tương tamari.
Buổi trưa, buổi tối, người bệnh có thể ăn cơm gạo lứt, muối mè, các loại canh dưỡng sinh, canh rong biển, canh gà, canh xương.
Người bệnh nên ăn muối theo nhu cầu của cơ thể và chọn lựa muối nhạt, muối hầm, muối hymalaya thay cho các loại muối thông thường. Không ăn đường hoặc giảm đường, mì chính, các chất phụ gia, gia vị quá nhiệt hoặc quá hàn…