Dịch bệnh do virus CoVid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam cũng như chính sách tiền tệ

Nền kinh tế của nhiều nước đã bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc – công xưởng lớn thứ hai thế giới bùng phát dịch bệnh CoVid-19 và để đối phó với rủi ro đó, nhiều nước đã hành động theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, nhằm làm giảm các tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã sớm có văn bản định hướng xem xét cơ cấu lại nợ, giảm thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành. Nhiều ngân hàng đã vào cuộc bằng chính sách giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ... cho các đối tượng vay vốn.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang rơi vào thế khó khi xử lý nguy cơ lạm phát tăng cao với nới lỏng quy định để giảm tác động từ dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2020, lạm phát của Việt Nam có mức tăng cao đột biến, cao nhất trong 7 năm qua. Tương ứng, lạm phát cơ bản cũng tăng mạnh. Cộng thêm diễn biến khó lường của dịch bệnh có thể khiến cho lạm phát xảy ra những diễn biến xấu.

Ở khía cạnh khác, Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu/GDP chiếm tỷ lệ cao. Với việc đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc, giao thương bị hạn chế ở mức độ nhất định, vừa làm giảm cầu tiêu thụ, vừa làm gián đoạn chuỗi cung ứng quan trọng sẽ là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Mâu thuẫn đặt ra là nếu thắt chặt chính sách để ngăn ngừa rủi ro vĩ mô, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vốn đã bị hệ luỵ từ dịch bệnh. Không những thế, khi các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ khiến các đồng tiền bị mất giá, đồng VND lại có xu hướng tăng giá sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu đang có. Trái lại, nếu theo phương án nới lỏng tiền tệ, sẽ khuyến khích lạm phát tăng mạnh hơn, đình trệ kinh tế có nguy cơ kéo dài thêm.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, “Hiện tại, dư nợ tín dụng của Việt Nam lên tới 8 triệu tỷ đồng, trong khi GDP chỉ mới ở mức 6 triệu tỷ đồng, như vậy ty lệ đòn bẩy rất cao – 133%. Nếu bây giờ chúng ta đẩy đòn bẩy này sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế. Đây là một trong những lý do nhiều chuyên gia và ngân hàng Nhà nước rất chần chừ trong việc nới lỏng tiền tệ”, ông Hiếu nói.

Vì vậy, xuất hiện ý kiến cho rằng có nên thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn ngừa rủi ro bất ổn vĩ mô?

Dịch bệnh xảy ra đã khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, thịt lợn, lương thực, thực phẩm tăng giá liên tục, điều này đã dẫn tới vấn đề lạm phát tăng cao trong vài tháng qua. Đây đều là những tác động điển hình theo quy luật cung cầu, nhưng vấn đề lo ngại VND có thể tăng giá nếu thực hiện chính sách tiền tệ siết chặt.

Theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu của ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát và tạo sự ổn định tiền động, nhưng ngân hàng Nhà nước vẫn không nên thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới các lĩnh vực, ngành của Việt Nam, do đó cần phải có những giải pháp cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ cần phải nới lỏng lúc này qua việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Một câu hỏi đặt ra là hướng đi này có tác động tới tình hình lạm phát?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, năm 2019, nước ta kiểm soát lạm phát rất tốt, ở mức 2,76%, nó là tiền đề cho năm 2020, cho nên chúng ta có thể kiểm soát giá cả ở mức hợp lý. Dĩ nhiên, với những khó khăn trong nền kinh tế ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh có thể khiến một số mặt hàng khan hiếm, đẩy giá cả lên, nhưng ở chiều ngược lại, các mặt hàng hàng đầu của nền kinh tế là đang giảm, tất cả các sản phẩm tiêu thụ và nông sản, hải sản đều đang giảm. Trong khi, nhu cầu của nền kinh tế thế giới đang giảm thiểu,

Mặc dù, có hai chiều hướng ngược lại nhau, một mặt có thể khan hiếm, đẩy giá hàng hóa lên, mặt khác tổng cầu giảm xuống, nhưng có thể, cả hai sẽ tác động, hỗ trợ nhau và nó có thể làm giới hạn lại rủi ro lạm phát có thể xảy ra.

Trong trường hợp này cấp thiết hơn là giải cứu các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta phải nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất qua những kế hoạch bổ trợ của ngân hàng Nhà nước: Bơm một lượng tiền vào lưu thông, cơ cấu lại nợ, giảm nợ, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Trước hết là cứu doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu cho Việt Nam trong giai đoạn này vì nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.

Kim ngạch cả hai chiều xuất và nhập khẩu lên đến hơn 500 tỷ USD, trong khi GDP của mình là hơn 300 tỷ USD, như vậy, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng thì nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nên để giúp các doanh nghiệp ra khỏi giai đoạn khó khăn này thì chính sách nới lỏng tiền tệ là cần thiết”, ông Hiếu nói.

Nhưng có một thực tế chúng ta cần nhìn rõ, dù Trung Quốc là nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất từ dịch bệnh, nhưng đồng CNY cũng chỉ mất giá khoảng 0,34%, chốt tuần qua ở mức 6,987 CNY đổi 1 USD. Đồng bảng Anh GBP cũng hồi phục 1,2%, lên trên mốc 1,3 USD/GBP. Ngoài ra, việc FED tuyên bố duy trì chính sách hiện tại cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ vẫn lạc quan, hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh, chỉ số DXY tăng liên tục và dừng ở 99,12.

Như vậy, các đồng tiền của các quốc gia trên thế giới đều đang biến động. Nhìn từ quan điểm muốn nới lỏng chính sách tài khóa, có thể thấy hiện Ngân hàng Nhà nước chưa hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, cũng như các ngân hàng. Khi chính sách chưa siết chặt, đặt vấn đề nới lỏng lại thành không phù hợp.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Gần 10 năm qua, chính sách tiền tệ đã được điều hành rất thành công. Giai đoạn đầu tạo ra nền tảng khá tốt và giai đoạn sau phát huy được theo định hướng đúng. Chúng ta không có lý do để mất niềm tin dài hạn của nhà đầu tư, mất tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế bởi những rủi ro trong ngắn hạn với ảnh hưởng hạn chế”.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới