Bộ Xây dựng đề xuất nhiều ưu đãi hạ nhiệt giá nhà

Thực tế thời gian gần đây, tại một số đô thị lớn, giá bán căn hộ trung cấp khoảng 40 - 45 triệu đồng/m2. Với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người), giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân. Nghịch lý hơn nữa là trong 9 tháng đầu năm, dịch COVID-19 hoành hành nhưng giá nhà tiếp tục tăng. Giới bất động sản luôn nói giá tăng do nguồn cung giảm, nhưng cũng có nghịch lý là người mua giảm mạnh nhưng giá vẫn tăng.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà. Theo đó, bộ này đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp (giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2/căn hộ).

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: "Dự thảo nghị quyết sẽ được bộ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới với hàng loạt giải pháp căn cơ để giúp số đông người dân có thể tiếp cận nhà ở với giá phù hợp hơn. Chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp.

Các chủ dự án phát triển nhà ở thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2 cũng được ưu tiên chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 2 năm, được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng từ 7-8%/năm".

Lãnh đạo Bộ Xây dựng tin tưởng quy định các dự án phải dành 30% diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, và hàng loạt ưu đãi phát triển, thời gian tới nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp sẽ tăng nhanh. Giá nhà nhờ đó sẽ phù hợp hơn với thu nhập của đa số người dân.

Bộ Tài nguyên - Môi trường lên kế hoạch thanh tra đất đai tại các dự án BĐS

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021.

Trong đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; việc quản lý, sử dụng đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Đồng thời, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc sử dụng đất khi thực hiện các dự án khu đô thị, phát triển nhà ở, dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn (Condotel); việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp.

Bộ Tài nguyên - Môi trường lên kế hoạch thanh tra đất đai tại các dự án BĐS

Trước đó, theo kế hoạch năm 2020, đoàn thanh tra do Tổng Cục Quản lý đất đai dẫn đầu sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng, có dấu hiệu trong sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.

Trọng tâm là việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…

Tuy nhiên, vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký quyết định yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai không thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án bất động sản có dấu hiệu sai phạm về đất đai trong năm 2020 tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Bình Thuận, Quảng Nam...

Đồng thời hủy kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất các dự án, công trình không triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại các tỉnh Quảng Bình, Thái Nguyên, Cà Mau.

Lý do hủy thanh tra được đưa ra là do các địa phương này đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. 

Bất động sản công nghiệp đón ‘làn gió mới’

Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trong đó bất động sản khu công nghiệp đứng trước nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn của các nhà đầu tư đổ về.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, do các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2020 của Liên hiệp quốc cũng đã dự báo, dịch Covid-19 có thể làm dòng vốn này giảm tới 40% trong năm 2020, từ mức 1,54 ngàn tỉ đô la Mỹ ghi nhận được vào năm 2019 có thể giảm tiếp 5 - 10% vào năm 2021.

BĐS Công nghiệp đón "làn gió mới" khi Việt Nam thành điểm sáng thu hút vốn FDI.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN. Để đạt được điều này, đó là nhờ những hành động rất tích cực của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế”, Thứ trưởng Võ Thành Thống chia sẻ.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam còn do môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn như: Nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính được cải cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng...

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nhờ sự đóng góp từ các hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển mà theo đánh giá của Liên hiệp quốc là phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.

Bởi những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Có thể thấy, mặc dù 10 tháng của năm 2020, tổng vốn FDI cả nước giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt 23,48 tỉ USD với 2.000 dự án mới; trong đó, 46% vốn FDI dành cho lĩnh vực sản xuất và 15% cho BĐS.

Khảo sát của CBRE Việt Nam, trong 12 tháng qua, nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung liên tục được mở rộng. Một số ngành đang mở rộng diện tích thuê như điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh.... Các khách thuê lớn đã hiện diện tại Việt Nam và nguồn cầu bất động sản công nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng trong bối cảnh các nhà sản xuất mở rộng thêm.

Các nhà đầu tư mới về lắp ráp ôtô và linh kiện để cung ứng tại Việt Nam có sự hiện diện rõ. Những doanh nghiệp này tìm hiểu và mở rộng ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, cũng có các nhà đầu tư đang tìm hướng phát triển nhà kho cho thuê.

Cải thiện, ổn định chính sách bất động sản

Trong vòng 3 năm qua, rất hiếm dự án được cấp phép mới, nhất là dự án nhà giá rẻ và nhà xã hội. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 càng làm tăng thêm khó khăn cho thị trường. Song thực tế cho thấy, giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là cơ hội sàng lọc, định vị lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản một cách rõ nét.

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng thì cũng không ít doanh nghiệp có hướng đi phù hợp vẫn đang rất thành công. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, tập trung vào những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và hướng tới hoạt động chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, phát triển ổn định trở lại thì Nhà nước cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, về nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện.

Thị trường bất động sản 2020: Khoảng lặng tạm thời

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, tình hình quốc tế cũng như khu vực có nhiều yếu tố không thuận lợi, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc huỷ bỏ tổ chức sự kiện quan trọng trong hoạt động kinh doanh như khởi công, mở bán, quảng bá, tiếp thị dự án... Khách hàng cũng không đến các sàn giao dịch bất động sản để tìm hiểu thông tin về dự án. Với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh thì tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (chiếm đa số hiện nay), nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, dịch bệnh đã tác động trực tiếp, làm giảm thu nhập của đại bộ phận nhân dân. Do đó người dân có xu hướng chỉ tập trung chi tiêu cho nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống và tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc để đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Đồng thời, sự sụt giảm về mặt thu nhập khiến khách hàng đã hoặc có ý định sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản nhà ở sẽ gặp nhiều khó khăn trong quyết định đầu tư. Các chủ đầu tư hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới. Tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động...

Tuy nhiên, nhìn lại từ năm 2018 đến nay, nguồn cung dự án mới đã giảm mạnh, chủ yếu là do những vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở vẫn phát sinh, thậm chí rất cao ở những phân khúc nhà xã hội, nhà ở giá thấp. Do vậy, bên cạnh việc khắc phục những khó khăn hiện hữu, về lâu dài, cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản cần cải thiện và ổn định hơn nữa.

Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nếu không thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng...

Thị trường đang lâm vào khủng hoảng nhưng khủng hoảng hiện nay khác hoàn toàn so với hơn 1 thập kỷ trước. Trước kia, hàng hoá nhiều nhưng không bán được. Hiện tại thì ngược lại, nhu cầu lớn nhưng nguồn cung lại hạn chế. Hơn nữa, thời kỳ khủng hoảng vừa qua cũng đã góp phần sàng lọc thị trường. Các chủ đầu tư yếu kém cùng cách thức làm ăn chộp giật gần như không còn tồn tại.

Đến nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã hướng tới môi trường hoạt động chuyên nghiệp, lâu dài hơn. Tuy nhiên, trước mắt trong hoàn cảnh "khó khăn chồng khó khăn", nếu không được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng do tác động từ dịch bệnh.

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới