Giá nhà cao gấp 17 lần thu nhập lao động phổ thông

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nguồn cung mới đang giảm mạnh bởi những vướng mắc trong thực hiện cơ chế đất đai.

Báo cáo của VARS cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hà Nội cũng như TP HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt.

Ngay cả các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu từ quy hoạch, cấp phép xây dựng cho đến việc đủ điều kiện tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho biết: Tại TP HCM, căn hộ bình dân và giá rẻ đã gần như “tuyệt chủng” trên thị trường. Ngược lại, nhu cầu của người dân mua nhà ngày một tăng.

“Với sự mất cân bằng giữa cung và cầu, giá nhà tăng giá là điều đương nhiên. Ví dụ, những căn hộ hạng C, trước có giá 15 - 18 triệu đồng/m2, thì nay đã chạm ngưỡng giá căn hộ hạng B đã đạt ngưỡng 25 - 28 triệu đồng/m2” - ông Đính nói.

Trong khi đó, một nghiên cứu của batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện nay cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.

Giá nhà ở 'nhảy múa' từng ngày, cao hơn 17 lần thu nhập lao động phổ thông. (Nguồn: Dân trí)

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam - nhận định: Thị trường nhà ở Hà Nội cũng đang đối mặt với sự nhạy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai ba cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2. Vượt xa thu nhập của đại đa số người dân, nhất là giới trẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) - cho rằng: Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài trong 1 - 2 năm tới đây sẽ làm cho nhiều hoạt động bị đình trệ.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà tăng, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư khó tạo lập nhà ở hơn trước đây. Điều này nguy cơ tạo ra mối quan ngại về an sinh xã hội về nhà ở.

Doanh nghiệp "đua nhau" trả mặt bằng do thua lỗ, ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Theo khảo sát của PV, tại nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội, nhất là phố cổ, dù Việt Nam kiểm soát COVID-19 và đã qua giãn cách xã hội đến nửa năm nhưng nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa, các cửa hiệu căng băng rôn cho thuê mặt bằng. Giá cho thuê hiện nay giảm 20-30% so với năm ngoái nhưng vẫn không có khách thuê.

Thu không đủ chi, nhiều tháng phải bỏ tiền trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, nhiều chủ kinh doanh ở Hà Nội phải đóng cửa nhằm cắt lỗ.

Mặt bằng tầng 1 tại khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) trống vì không có khách hỏi thuê. (Nguồn: Tiền Phong).

Kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, quý III/2020, làn sóng thu hẹp diện tích hoặc trả mặt bằng để cắt giảm chi phí của các đơn vị kinh doanh F&B (ẩm thực) vẫn tiếp diễn. Báo cáo khảo sát diễn biến thị trường mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết, trong quý III/2020, nhiều khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang tại các trung tâm mua sắm có động thái trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Nguyên nhân dẫn đến làn sóng này là tình hình kinh doanh của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là ẩm thực vẫn tiếp tục ảm đạm do tác động của đại dịch COVID-19.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam nhận định, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa.

Báo cáo của CBRE về thị trường bán lẻ quý III/2020 cho biết, về nguồn cung, thị trường bán lẻ Hà Nội không có dự án mới nào ra mắt trong 9 tháng đầu năm. Thị trường cũng chứng kiến sự biến động về giá chào thuê và tỷ lệ trống do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 của khu trung tâm giảm 0,13% theo quý. Các trung tâm mua sắm có tỷ lệ trống cao nhất trong tám năm qua.

Xử lý hành vi nhắn tin "rác" quảng cáo BĐS

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê.M.D, có địa chỉ tại Long Biên, Hà Nội về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP. Đây là lần đầu tiên một cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản (BĐS) đến người sử dụng, khi chưa được người sử dụng đồng ý.

Trước đó, những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán các sản phẩm bất động sản như căn hộ chung cư, biệt thự, đất nền… khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Có thời điểm, những tin quảng cáo bất động sản cùng với một số sản phẩm quảng cáo khác như bảo hiểm, ngân hàng… “bủa vây” dồn dập khiến người than phiền. 

Lần đầu tiên một cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản (BĐS) đến người sử dụng, khi chưa được người sử dụng đồng ý. (Nguồn: Dân trí)

Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tình trạng cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác) đã gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt thường ngày của nhiều người dân nói chung.

Tổng hợp số liệu từ cơ quan này, trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 220 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực điện thoại, viễn thông, kết nối mạng di động và liên kết internet nói chung. Nội dung phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào việc bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn và cuộc gọi rác; quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống của người tiêu dùng.

Với Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, nhiều người kỳ vọng tình trạng này sẽ giảm bớt.

Làm thế nào để mua dự án đất nền đảm bảo pháp lý?

Trên thực tế, đất nền là phân khúc luôn thu hút được nhiều hoạt động giao dịch trên thị trường, đặc biệt dành cho những người có nhu cầu đầu tư, nhưng trong thời gian qua đã có không ít dự án đất nền được chủ đầu tư “vẽ” lên để bán hàng, thu lợi bất chính, đó là những dự án không đầy đủ pháp lý, mang đến rủi ro cho nhà đầu tư và người dân.

Vì vậy, để nhận biết các dự án đất nền không đủ điều kiện pháp lý, trước khi quyết định “xuống tiền” theo gợi ý của các Luật sư, người dân cần phải tìm hiểu một số nội dung sau: Kiểm tra hồ sơ pháp lý cơ bản về dự án, như: Giấy chứng nhận đầu tư dự án này của chủ đầu tư; Quyết định giao đất; Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt…

Cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của các dự án đất nền trước khi quyết định đầu tư. (Nguồn: Kinh tế đô thị).

Kiểm tra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đó. Quyết định này sẽ cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung và quy hoạch phân khu về sự bố trí chi tiết tất cả các công trình trên đất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết bố trí từng ranh giới lô đất. Theo đó, người mua đất có thể biết được lô đất mình mua sẽ nằm ở khu nào, vị trí nào trong dự án này.

Kiểm tra văn bản nghiệm thu về việc hoàn thành cơ sở hạ tầng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Yêu cầu chủ đầu tư hoặc bên bán chứng minh việc chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có). Đồng thời kiểm tra dự án này hoặc các lô đất nền mình muốn mua có đang bị chủ đầu tư dự án thế chấp, bị kê biên hoặc đang tranh chấp gì hay không?

Quan trọng nhất là bên mua phải đến và xem khu đất thực địa để thấy được tình trạng kết cấu hạ tầng thực tế gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt như nêu trên. Các công trình, hạ tầng này phải đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực và đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải... không nên thông qua một số hình ảnh thiết kế bên bán giới thiệu mà đã vội vàng quyết định đặt cọc, ký hợp đồng... để tránh trường hợp mua phải dự án ma, dự án không chính chủ.

Theo Trúc An(tổng hợp)/Đô thị mới