Công khai các dự án thế chấp ngân hàng, ‘giam’ sổ hồng của cư dân
Mới đây, UBND TP HCM vừa yêu cầu công khai thông tin về các dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch BĐS.
Theo đó, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp.
Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TP thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.
Bên cạnh đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP HCM kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch BĐS bằng tiền mặt.
Ngoài ra, giao Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP HCM theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.
Báo động tình trạng sốt “ảo” đất nông nghiệp vùng ven đô Hà Nội
Theo reatimes, liên quan đến vấn đề này, không chỉ có đất thổ cư, đất nông nghiệp cũng trở thành miếng bánh đầy béo bở để các cò đất rao bán và quảng cáo.
Đáng chú ý như một số huyện tại Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất… sau khi có thông tin quy hoạch, giá đất nông nghiệp bị đẩy giá lên gấp 2, gấp 3, cá biệt có một số vị trí lên gấp 10 lần so với giá ban đầu.
Tại Đông Anh, thông tin nơi đây chuẩn bị lên quận cộng hưởng với tâm lý ăn theo đất khu công nghiệp đã khiến nhiều lô đất lúa biến thành “sản phẩm địa ốc” hấp dẫn mà cò đất chào mời các nhà đầu tư, điển hình như đất lúa tại các điểm Cụm Công nghiệp Liên Hà 2, Cụm Công nghiệp Dục Tú, Cụm công nghiệp Thụy Lâm…Giá đất nông nghiệp được cò rao bán lên tới 5 triệu đồng/m2, trong khi trước đó, mức giá chỉ dao động 2-3 triệu đồng/m2. Các cò đất giới thiệu, những lô đất này có thể chuyển đổi được mục đích sử dụng và nhà đầu tư được ăn chênh tiền tỷ.
Tại xã Đồng Trúc (nằm giáp khu công nghệ cao Hòa Lạc và đại lộ Thăng Long), huyện Thạch Thất (Hà Nội), cuối năm 2020, trong cơn sốt đất lên cao, một số cò cũng sẵn sàng rao bán cả lô đất lúa với mức giá 2 - 5 triệu đồng/m2, tăng từ 5 -10 lần so với gia ban đầu.
Hay như xã Song Phương (Hoài Đức) nhiều lô đất rộng từ 100 - 200 m2 được rao bán với mức giá 8 triệu đồng/m2, ăn theo các khu đô thị mọc lên.
Đã không ít nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền tỷ vào đất nông nghiệp với kỳ vọng kiếm được khoản tiền không lồ. Nhưng thực tế, đa phần các nhà đầu tư bị chôn vốn vì nghe theo lời hoa mỹ của cò đất.
Lý giải về xu hướng này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Trong khi lượng cung mới từ các dự án trở nên hiếm hoi, thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất...”.
Song, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư vào đất nông nghiệp là một bài toán bỏ vốn mang nhiều rủi ro. Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way nhận định, đất nông nghiệp ở càng vùng ven đô đang trở thành “miếng đất vàng” được không ít các nhà đầu tư quan tâm, rót vốn. “Tuy nhiên, việc mua đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro” - vị luật sư này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư không thể hoặc gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi hiện nay theo quy định pháp luật đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, về mặt pháp lý nhà đầu tư sẽ không thể tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp chưa được cấp sổ sang đất phi nông nghiệp hoặc đất khác.
Luật sư Hồi cũng nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư còn gặp nhiều khó khăn bởi không phù hợp với quy hoạch. Thế nên, dù thuộc trường hợp đất nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bên nhận chuyển nhượng cũng vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước”.
Những thị trường bất động sản đang sôi động trở lại
Hội môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra thực trạng, tiềm năng thị trường BĐS ở một số tỉnh miền Trung. Trong đó, so với các quý trước, quý cuối năm tình hình BĐS khu vực này khả quan hơn, nhất là ở các tỉnh vốn chững lại, giảm giá sâu trước đó đã nhận được sự quan tâm trở lại của NĐT.
Cụ thể, tại Thanh Hoá, Nghệ An: Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, đây là các địa phương có chính sách thu hút dầu tư rất hiêu quả. Trong năm 2020 mặc dù khó khăn nhưng vẫn có hàng ngàn giao dịch thành công ở mỗi địa phương.
Tại Bình Định: Với điểm sáng là thông hàng loạt tuyến đường huyết mạch nối TP Quy Nhơn, các khu công nghiệp trọng yếu của tỉnh, các khu du lịch và đặc biệt việc khởi công khu công nghiệp đô thị và dịch vụ đã tạo nên tiềm năng cho thị trường BĐS khu vực này.
Tại Đà Nẵng: Điểm sáng cho BĐS Đà Nẵng là việc chính quyền khóa mới đã có quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển.
Tại Nha Trang – Khánh Hòa
Những dự án nằm ở khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao, đã được đầu tư hạ tầng cơ bản, có giá khởi điểm ở mức thấp được khách hàng và nhà đầu tư quan tâm sôi động.
Khu vực Tây Nguyên: Trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…ngày càng khan hiếm, giá đất ngày càng tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư về các nơi có tiềm năng phát triển kinh tế như Tây Nguyên.
Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hóa cộng với quỹ đất còn dồi dào, khả năng sinh lời cao.., các tỉnh vùng Tây nguyên cũng không nằm ngoài đích nhắm của các doanh nghiệp và giới đầu tư BĐS. Thị trường BĐS Tây Nguyên đã thực sự sôi động khi có sự khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản đáp ứng đúng trúng thị hiếu của thị trường.
Thống kê từ một sàn môi giới BĐS cho thấy, những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường BĐS Tây Nguyên với tỉ lệ hấp thu đạt 70-80%. Dòng sản phẩm BĐS cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại, gồm công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí… luôn nằm trong giỏ hàng "đắt" khách hàng. Mức giá gia tăng của dòng sản phẩm này cũng được duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi bước sang năm 2021.
Dòng tiền vẫn chực chờ đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng
Theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã suy giảm nặng nề từ cuối năm 2019.
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch và bất động sản nói chung, làm cho bất động sản nghỉ dưỡng càng thêm ảm đạm. Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại lâu nay liên quan đến pháp lý vẫn chưa được giải quyết cũng khiến thị trường chưa đủ niềm tin để quay trở lại thời kỳ phát triển thăng hoa như trước đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, từ quý cuối năm 2020 đến nay, một số dự án vẫn đang trong quá trình triển khai và sẵn sàng đưa ra thị trường.
Mặt khác, để khởi động đường đua mới trên thị trường nghỉ dưỡng năm 2021, các chủ đầu tư đang tăng tốc trên những vùng đất mới. Thay vì những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, các địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Phòng… đang được các ông lớn đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Các doanh nghiệp cho biết, khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn, với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư dài, thậm chí lên tới hàng chục năm nên thời điểm này các hoạt động triển khai phát triển dự án vẫn diễn ra. Thậm chí, họ còn phải tính toán các chính sách bán hàng để kích cầu.
Liên quan đến vấn đề này, giới phân tích đánh giá, dòng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại khá thận trọng, không còn ồ ạt như trước đây. Nhưng thận trọng không có nghĩa là thị trường mất đi sức hút mà các nhà đầu tư vẫn đang chực chờ để rót vốn vào những dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch.
"Pháp lý là yếu tố tiên quyết để khách hàng quyết định mua sản phẩm cho dù tình huống thị trường diễn ra thế nào. Bên cạnh đó, dự án có tính khác biệt, độc đáo, khả thi thế nào để thu hút du khách và cư dân cũng là yếu tố nhà đầu tư quan tâm. Bởi, một dự án đơn thuần chỉ có condotel, biệt thự biển, trong một khu resort có nhà hàng, spa… thì sẽ rất áp lực trong việc cạnh tranh. Thực tế đã chứng minh, những chủ đầu tư lớn với những dự án quy mô lớn, bài bản, đầy đủ, nhiều khác biệt hấp dẫn du lịch thường có sức hút và bán hàng hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam nhận định.
Đánh giá về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2021, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có tiềm năng rất lớn. Sự trầm lắng của thị trường trong thời gian qua cũng đã dần loại bỏ những nhà đầu tư chộp giật, ngắn hạn, đầu tư lướt sóng để hướng đến sự đầu tư dài hạn, bền vững. Các chủ đầu tư muốn bán được hàng đòi hỏi phải có những dự án đồng bộ, đa dạng, đầy đủ tiện ích. Các dự án mở bán trên thị trường cũng đã qua giai đoạn thanh lọc.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cong-khai-cac-du-an-the-chap-ngan-hang-giam-so-hong-20201231000000499.html