Nhiều bất cập trong xử phạt vi phạm trật tự xây dựng
Theo TTXVN/Vietnam+, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở có nhiều tác động tích cực, khắc phục được sự thiếu đồng bộ giữa Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn.
Nhưng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực lớn về nhu cầu xây dựng nhà ở đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là việc xử phạt hành vi vi phạm trật tự xây dựng vốn là vấn đề “nóng” trên địa bàn.
Tại Nghị định 139 không giải thích khái niệm “sai thiết kế,” “sai quy hoạch” trong khi thực tiễn người dân xây dựng theo giấy phép xây dựng nhưng quy mô nhỏ hơn giấy phép (thấp tầng, giảm mật độ xây dựng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng). Điều này dẫn tới việc áp dụng Nghị định 139 khó phân định được trường hợp sai phép hay sai quy hoạch.
Một số trường hợp sử dụng container để cải tạo thành nhà ở, văn phòng, cơ sở kinh doanh ăn uống, phòng lưu trú, chòi giữ vườn phục vụ chăn nuôi… cũng khó phân loại đây là “công trình khác” theo Điều 2 Nghị định 139 hay “nhà ở riêng lẻ” để xử lý.
Hơn nữa Nghị định 139 chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực đô thị nhưng lại không quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn, dẫn tới việc áp dụng xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn gặp nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng công trình được cấp giấy phép xây dựng mới tuy nhiên chủ đầu tư không tháo dỡ công trình cũ để đảm bảo mật độ xây dựng theo giấy phép xây dựng mới được cấp mà xây dựng công trình mới kết nối với phần hiện trạng cũ nhằm tăng diện tích xây dựng, vi phạm mật động xây dựng.
Với các trường hợp này, nếu áp dụng Nghị định 139 rất khó trong việc xử phạt hành vi xây dựng sai phép hay không phép, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình cũ hay không... Cùng một hành vi vi phạm “lấn chiếm không gian” trong quá trình cơi nới, lấn chiếm diện tích nhưng mức xử phạt lại được quy định khác nhau giữa Điều 15 của Nghị định 139 (từ 50 - 60 triệu đồng) và Điều 66 Nghị định 139 (từ 40 - 50 triệu đồng).
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong năm 2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra gần 87.500 lượt, phát hiện 1.006 trường hợp vi phạm xây dựng, giảm 65% so với năm 2019.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều trường hợp người dân xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên lô đất có diện tích lớn, sau đó chia thành nhiều căn để bán theo hình thức “3 chung” với hành vi vi phạm như xây thêm tường ngăn chia thành nhiều căn nhà nhỏ, mở thêm cửa đi, xây dựng thêm cầu thang, thay đổi kiến trúc mặt ngoài...
Để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được quy định, Sở Xây dựng Thánh phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 và Thông báo số 711/TB-VP ngày 16/10/2019 về phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc cho Ủy ban Nhân dân quận huyện trong lập phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể Ủy ban Nhân dân các quận huyện về thành phần hồ sơ, trình tự tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ phương án cưỡng chế tháo dỡ.
Đối với những vướng mắc, bất cập, phát sinh vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, xử lý khó khăn để kịp thời xử lý vụ việc trên toàn địa bàn thành phố, đảm bảo lập lại trật tự xây dựng, tạo sự thống nhất trong thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp. Các vi phạm xây dựng sai phép thường gặp là tăng diện tích tại các tầng, xây dựng ban công thành phòng, xây sai thiết kế, sai quy hoạch, thay đổi kiến trúc mặt ngoài làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính của công trình…
Trong khi đó hành vi xây dựng không phép thường gặp là việc xây thêm các hạng mục không có nội dung trong giấy phép xây dựng, sai nội dung đăng ký cải tạo, sửa chữa, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh rạch, xây dựng khi chưa đủ điều kiện khởi công xây dựng…
5 xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2021
Theo reatimes, JLL Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm lung lay hầu hết mọi doanh nghiệp, và bất động sản có lẽ chính là ngành có nhiều thay đổi lớn nhất. Thiệt hại từ các tòa nhà văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm im ắng trong thời gian hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đã trở thành đề tài của các cuộc trò chuyện kinh doanh vượt xa lĩnh vực bất động sản thương mại.
Nhưng guồng quay cuộc sống và công việc kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục xoay vòng. Các sáng kiến bền vững đang được tiến hành để chuẩn bị cho một tương lai vững vàng hơn. Khi thế giới nhìn về phía trước để bước vào năm 2021, JLL dự báo sẽ có 5 xu hướng để duy trì sự phát triển phù hợp với nhu cầu hiện tại.
5 xu hướng dẫn dắt thị trường BĐS 2021 bao gồm:
1. Đô thị trong đô thị
Chuyên gia JLL cho biết, điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau, từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư. Mặc dù vậy, mỗi tòa nhà nên được thiết kế tùy chỉnh cho mỗi nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể trên cơ sở hài hòa chung với môi trường sống tổng thể. Ví dụ, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các nhà phát triển xây dựng các căn hộ dịch vụ diện tích nhỏ nhắm vào nhóm khách hàng độc thân nằm ở trung tâm dự án. Trong khi đó, những người mua theo định hướng ở cả gia đình được sắp xếp tại các căn hộ có diện tích lớn trong các tòa nhà tọa lạc ở khu vực yên tĩnh hơn.
2. Thử nghiệm làm việc từ xa đã thay đổi ngành văn phòng
Một năm với nhiều giới hạn hàng loạt buộc mọi người phải làm việc tại nhà cho thấy nhiều loại công việc hoàn toàn có thể được thực hiện từ xa, thúc đẩy các công ty áp dụng các mô hình làm việc mới. Sự thay đổi đã được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp, nhưng cũng giống như nhiều thứ khác, quá trình này đã tăng tốc nhờ COVID-19.
Ông Paul Fisher, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết: “Vào năm 2020, cuộc thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà đã diễn ra trên toàn cầu và cho thấy rằng tận dụng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả”.
Dù loại hình văn phòng hay mô hình làm việc có thay đổi, mọi nhân viên vẫn sẽ cần được hợp tác, trao đổi và làm việc trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên hay khách hàng. Đây là một trong số những lý do quan trọng giúp văn phòng giữ vai trò trung tâm trong đời sống công ty, giúp xây dựng tương tác giữa nhân viên và thắc chặt kết nối với ban lãnh đạo.
3. Thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi
Thương mại điện tử là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngaỳ càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần. Đó là một phần yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với bất động sản công nghiệp trên toàn thế giới.
4. Doanh nghiệp vẫn giữ hướng đi "xanh" và bền vững
Theo JLL, trong lĩnh vực bất động sản, các tài sản có xếp hạng ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) cao có thể đạt được mức phí thuê tăng lên đến 33% so với các tòa nhà không có chứng nhận xanh tương đương. Lĩnh vực bất động sản phải đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường giảm thiểu ô nhiễm - giúp xã hội chuẩn bị, ứng phó, tái nhập và cuối cùng là kiến tạo một tương lai bền vững.
5. Nhà đầu tư hướng về ngành y tế và chăm sóc sức khỏe
Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng hậu cần sức khỏe và y tế, và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vắc xin, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,.... Nhưng động lực thúc đẩy ngành kho vận lạnh không chỉ có vậy mà còn là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, nổi bật nhất chính là vắc xin Covid-19 và các loại vắc xin khác trong tương lai.
Hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản làm VLXD tại Hòa Bình
Theo tainguyenmoitruong.vn, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 105/KL-TTr UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều sai phạm nguyên nhân là do trong quá trình quản lý Nhà nước ở một số cơ quan tham mưu và chính quyền địa phương đối với một số công việc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định.
Kết luận Thanh tra chỉ rõ: Tỉnh Hòa Bình chưa thực hiện được một số mục tiêu theo quy hoạch đã được phê duyệt đối với một số chủng loại vật liệu.
Cụ thể: Đối với vật liệu xây dựng chủ yếu: Không có cơ sở sản xuất gạch ốp lát và đá ốp lát trong khi mục tiêu đến năm 2015 đạt sản lượng vật liệu ốp lát các loại của tỉnh là 3,33 triệu m2, năm 2020 là 4,65 triệu m2.
Đối với vật liệu xây dựng thông thường, quy hoạch năng lực khai thác đá đến năm 2020 là 14,98 triệu m3, tổng công suất cấp phép đến hết năm 2019 là 11,84 triệu m3/năm (đạt 79% so với quy hoạch); Quy hoạch năng lực khai thác cát đến năm 2020 đối với cát bê tông là 60.000 m3/năm, cát xây trát và san lấp là 500.000 m3/năm. Tổng công suất cấp phép đến tháng 7/2020 đối với cát bê tông là 15.000 m3/năm (đạt 25% so với quy hoạch), đối với cát xây trát 257.000 m3/năm (đạt 51,4% so với quy hoạch)…
Trong 10 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung: Có 04/10 doanh nghiệp có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, 06/10 doanh nghiệp không có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; 10/10 doanh nghiệp không có giấy phép xây dựng. Vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.
Bên cạnh đó, công tác sản xuất gạch nung cũng tồn tại không ít sai phạm.
Quyết định chủ trương đầu tư 10/11 dự án (trừ Dự án Nhà máy gạch tuynel Phong Phú tại huyện Tân Lạc) không nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đã được phê duyệt, không gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu là vi phạm Điểm e, Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó “Dự án đầu tư mới phải nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu”.
Nội dung các quyết định chủ trương đầu tư không có mục công nghệ áp dụng (trừ Dự án sản xuất gạch ngói tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình) là vi phạm quy định tại Điểm đ, Khoản 8, Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.
Không thực hiện mục tiêu giảm dần sản xuất gạch nung theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cấp phép đầu tư vượt so với quy hoạch được duyệt.
Cụ thể, tại huyện Kim Bôi: Xây dựng không có chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng 02 nhà máy gạch tuynel công suất 50 triệu viên/năm/doanh nghiệp tại xã Đú Sáng và xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi. Vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.
Để xảy ra những sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan tham mưu có liên quan.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện rà soát các quy hoạch đã phê duyệt thuộc thẩm quyền đảm bảo các nội dung quy hoạch tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật làm nội dung vào Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và yêu cầu tại mục 5 Văn bản số 7192/VPCP-CN ngày 13/8/2019 của Văn phòng Chính phủ; có kế hoạch và giải pháp khắc phục tồn tại, vi phạm, thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã nêu;
Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định pháp luật đối với toàn bộ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh chưa có thiết kế bản vẽ thi công được thẩm định, phê duyệt theo quy định nhưng đang khai thác để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật khoáng sản 2010;
Chỉ đạo Sở Công thương có kế hoạch rà soát toàn bộ các hồ sơ thiết kế, đảm bảo an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với người, công trình, thiết bị trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với khoảng cách an toàn theo bán kính đá văng;
Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các tọa độ đã cấp phép thăm dò, khai thác cho Công ty TNHH xây dựng Thương mại Xuân Thành để đảm bảo phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
Đối với dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát để phê duyệt điều chỉnh lại quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư, xử lý các vi phạm theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình cần kiểm điểm trách nhiệm trong việc ban bành, thực hiện chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà máy sản xuất gạch nung không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định trong việc đầu tư mới 2 nhà máy gạch tuynel tại huyện Kim Bôi và xây dựng lò tuynel thành lò vòng của Công ty TNHH MTV Tiến Trung Hòa Bình tại huyện Tân Lạc, việc khai thác đất hạ cốt nền không có giấy phép khai thác tại mặt bằng dự án Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao do Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Đất Việt làm chủ đầu tư tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Kết luận thanh tra.
Hà Nội - Phân khúc căn hộ khởi sắc, giao dịch biệt thự liền kề giảm mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi công bố, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh nhà ở của Savills Hà NộI, cho biết quý 4-2020 ghi nhận nguồn cung mới đạt khoảng 190 căn đến từ bốn dự án, giảm 56% theo quý và 65% theo năm. Các dự án mới mở bán theo từng phân khu chứ không tung toàn bộ sản phẩm, trong khi đó các dự án đang bán không mở bán thêm do lượng cung đã mở bán còn tồn.
Số liệu ông Thêm đưa ra cho thấy, nguồn cung sơ cấp đạt 1.546 căn, giảm 15% theo quý và tăng 20% theo năm. Quận Hà Đông dẫn đầu với 38% thị phần và tiếp tục sẽ là khu vực đáng chú ý trong năm 2021. Tuy nhiên, những thách thức mới sẽ đến từ các khu vực đang phát triển như Hoài Đức, Đan Phượng và Đông Anh.
Về giao dịch, hoạt động thị trường trong quý 4 đạt 509 giao dịch, tăng 12% theo quý nhưng giảm 17% theo năm. Quận Hà Đông dẫn đầu lượng giao dịch với 48% thị phần. Tỷ lệ hấp thụ theo quý ở mức 33%, là mức cao nhất trong năm 2020, tăng 8 điểm phần trăm theo quý nhưng giảm 15 điểm phần trăm theo năm.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động cả năm 2020 vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lượng giao dịch đạt 1.715 giảm 61% theo năm và tỷ lệ thấp thụ khoảng 65% giảm 25 điểm phần trăm theo năm.
Về giá bán, ông Thêm cho biết, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.299 USD/m2, giảm 13% theo quý. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.832 USD/m2, tăng 5% theo quý.
Với Nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.009 USD/m2, tăng 20% theo quý. “Giá sơ cấp trung bình của biệt thự dao động do có nguồn cung mới ở Hoài Đức được mở bán với mức giá thấp hơn giá trung bình. Trong khi đó, nguồn cung mới nhà phố thương mại ở Hà Đông có mức giá cao hơn giá trung bình”, ông Thêm lý giải.
Theo ông Thêm, trong năm 2021, dự kiến có khoảng 4.900 căn từ 16 dự án sẽ được mở bán. Hầu hết nguồn cung tương lại nằm tại huyện Hoài Đức, theo sau là Hà Đông, Đan Phượng, và Hoàng Mai.
“Khu vực phía tây sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường biệt thự, liền kề trong năm 2021 trong khi khu vực phía đông có dấu hiệu chậm lại với nguồn cung mới hạn chế. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan tới hạ tầng giao thông kết nối hay pháp lý dự án vẫn là các thách thức chính cho nguồn cung mới năm 2021. Nguồn cầu dành cho các dự án có tính chất pháp lý rõ ràng sẽ ngày càng gia tăng”, ông Thêm đánh giá.
Thị trường bất động sản năm 2021, tiếp tục phục hồi nhưng khó sốt ảo
Đánh giá về triển vọng thị trường năm 2021, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản được kỳ vọng bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được mở bán và nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Đối với thị trường bất động sản nói chung, thị trường nhà ở luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020. Trong khi đó, văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Bất động sản công nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" của thị trường, tuy nhiên, đây mới chỉ là thời điểm chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng,... để thu hút các nhà đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 “khó có nguy cơ sốt ảo hay bong bóng” mà ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020 vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh. Giá bất động sản năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam (đơn vị vận hành kênh thông tin Batdongsan.com.vn) Nguyễn Quốc Anh nhận định, giai đoạn 2002-2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, thành phố Hồ Chí Minh tăng 16 lần, song mặt bằng giá bất động sản ở Việt Nam hiện vẫn thấp so với khu vực.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của nước ta còn chậm, mới đạt trung bình 35%, trong khi nhiều nước ở khu vực đạt tới 70-80%. “Tốc độ đô thị hóa thấp cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự báo giá bất động sản tiếp tục tăng trong tương lai”, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.
Chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã chỉ ra một số “điểm cộng” thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tới. Một là, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh cũng như áp dụng công nghệ vào bán hàng. Hai là, những luật sửa đổi bổ sung như: Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể; Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021 với quy định về huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp. Ba là, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất nước ngoài trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bốn là, giải ngân đầu tư công nhanh, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Bên cạnh đó là vấn đề lãi suất - đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong năm 2021 Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời, thường xuyên bám sát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/-nhieu-bat-cap-trong-xu-phat-vi-pham-trat-tu-xay-dung-20201231000000496.html