Hạ Long (Quảng Ninh) tạm dừng tách thửa, chuyển nhượng đất đai ở loạt xã, phường
Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Việt Hùng vừa ký thông báo gửi các đơn vị liên quan về việc tạm dừng một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai tại 11 xã, phường: Hồng Hà, Hà Tu, Hà Phong, Bãi Cháy, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Việt Hưng, Lê Lợi, Sơn Dương, Đồng Lâm, Kỳ Thượng.
Theo đó, để tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo việc chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện các dự án, UBND TP Hạ Long tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã, phường trên.
Cụ thể, các thủ tục tạm dừng bao gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; tách thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất (đất trồng lúa; trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp khác trừ trường hợp đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở được quy định tại mục điều kiện tách thửa.
Phạm vi tạm dừng thủ tục theo mặt bằng tuyến tính từ chỉ giới quy hoạch chi tiết xây dựng và chỉ giới giải phóng mặt bằng (GPMB) sang 2 bên, mỗi bên 50m của các tuyến giao thông: Tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; tuyến đường nối khu công nghiệp Cái Lân đến đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường kết nối từ điểm đầu cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng, tuyến đường kết nối từ trung tâm TP đi xã Đồng Lâm - Kỳ Thượng.
Thời gian tạm dừng thủ tục từ ngày 10/11/2020 đến khi có thông báo hủy bỏ văn bản tạm dừng của UBND TP.
Đối với các hồ sơ đã tiếp nhận (đủ hồ sơ hợp lệ) tại Trung tâm Hành chính công TP trước ngày 11/11/2020 mà chưa thụ lý giải quyết sẽ tiếp tục được giải quyết đảm bảo theo quy định.
UBND TP Hạ Long yêu cầu UBND các xã, phường nêu trên không chứng thực, không xác nhận đối với các hồ sơ thuộc các trường hợp trong phạm vi tạm dừng nêu trên từ ngày 11/11/2020.
Kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trái phép, không phép,...
Trước đó, khoảng gần cuối năm 2019, trên địa bàn phường Hà Khánh (TP Hạ Long) và xã Thống Nhất, Lê Lợi (huyện Hoành Bồ) đã diễn ra tình trạng đầu cơ tích trữ, mua bán, giao dịch đất rầm rộ…
Đơn cử, tại Khu quy hoạch dân cư tập trung Yên Giang (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) trong khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ngay tại phiên đấu giá, mỗi lô đất đều được đẩy cao gấp từ 3 - 4 lần so với giá khởi điểm chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/m2. Kết quả, đất tại khu vực phường Yên Giang được đấu giá bán với mức giá từ 1,6 - 2 tỷ đồng/lô, diện tích từ 100 m2 đến hơn 200m2. Tuy nhiên, rất ít người dân có nhu cầu mua đất để ở đấu giá thành công. Phần lớn, đất thuộc về tay các "cò" và ngay sau đó, giá bán được giới đầu tư đẩy lên giao bán với mức từ 18 - 22 triệu đồng/m2. Trước những diễn biến trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định tạm dừng đấu giá đất nền trên địa bàn TX Quảng Yên.
Hồi cuối tháng 12/2019, trước tình trạng “cò” đất lộng hành, UBND huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã ra quyết định dừng nhiều loại giao dịch đất để chờ ngày huyện này sáp nhập về với TP Hạ Long để kiểm soát tình hình bất động sản trên địa bàn.
Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam: Đổi tên dự án, bán đất nền trái phép
Theo khảo sát của PV, Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam đã mở bán, thu tiền từ khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, qua những mĩ từ của các nhân viên sàn phân phối VHG thì dự án đã được CĐT "biến hóa" từ đất thuê để thực hiện dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng –HDB Plaza thành dự án Liền kề Sdowntown Thanh Trì!
Cụ thể: Theo Quyết định số 5767/QĐ-UBND ngày 11/122012 của UBND TP Hà Nội thu hồi 1.220,7m2 do UBND xã Thanh Liệt quản lý cho Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam thuê 20.499m2 đất (trong đó 19.278,3m2 đất Công ty đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì để xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng - HDB Plaza.
Đến ngày 17/7/2013, tại quyết định số 4982/QĐ-UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng - HDB Plaza.
PV có mặt tại dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng –HDB Plaza bên ngoài được quây tôn kín mít, phía trong chỉ là một bãi đất trống với vài chiếc máy xúc nằm bất động. Đáng chú ý dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng – HDB Plazađã được CĐT là Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam thay tên đổi họ thành Dự án liền kề Sdowntown Thanh Trì. (Ảnh Hương Ly)
Ngày 21/11/2013, UBND xã Thanh Liệt và CĐT bàn giao diện tích giải phóng mặt bằng sau khi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng - HDB Plaza.
Ngày 27/12/2013 tại văn bản số 3817/UBND-GPMB, UBND huyện Thanh Trì xác nhận Công ty Cp tập đoàn HDB Việt Nam đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích 1.220,7m2.
Ngày 3/11/2020, PV có mặt tại dự án xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng –HDB Plaza bên ngoài được quây tôn kín mít, phía trong chỉ là một bãi đất trống với vài chiếc máy xúc nằm bất động. Đáng chú ý dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng - HDB Plaza đã được CĐT là Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam thay tên đổi họ thành dự án Liền kề Sdowntown Thanh Trì.
Tại đây, dự án Sdowntown Thanh Trì được nhân viên Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam và Công ty TNHH phân phối VHG (sàn phân phối VHG) hết lời tung hô là một dự án tiềm năng, đáng đồng tiền bát gạo để đầu tư. Và khẳng định dự án Sdowntown Thanh trì còn được Sở Xây dựng đã “cấp giấy phép song song” cho CĐT vừa làm hạ tầng vừa rao bán. Ngoài ra, nhân viên cũng thông tin dự án hiện chưa đủ điều kiện mở bán, nên cho khách hàng làm hợp đồng đặt mua và đây là một hình thức huy động vốn “lách luật”.
Việc Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam bắt tay với sàn phân phối VHG mở bán dự án, huy động vốn khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản. Khách hàng cần cẩn trọng khi “xuống tiền”, tránh những rủi ro đáng tiếc. Mặt khác UBND huyện Thanh Trì cần nhanh chóng vào cuộc, có những chỉ đạo "nóng" về việc Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam đã và đang kinh doanh bất động sản trái quy định.
Bên cạnh đó, rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng rà soát, thanh kiểm tra dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng –HDB Plaza vì sao đến nay chưa thực hiện? Ai đã thay đổi tên dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị vật liệu xây dựng –HDB Plaza thành dự án Liền kề Sdowntown Thanh Trì? Đáng chú ý, cần làm rõ thông tin Sở Xây dựng có cấp giấy phép song song cho dự án Sdowntown Thanh Trì khi chưa xong hạ tầng đã huy động vốn trái phép hay không?
Giao dịch bất động sản tăng mạnh, giá bán căn hộ lại leo cao
Bộ Xây dựng vừa chính thức công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2020.
Theo đó, báo cáo đã thống kê cụ thể lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng. Cụ thể, tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu, trong quý 3 có 36.884 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội, trong kỳ này có 2.966 giao dịch thành công (bằng 219% quý trước), còn tại TP. Hồ Chí Minh có 6.722 giao dịch thành công (bằng 170,6% quý trước).
Về biến động chỉ số giá nhà ở và một số loại bất động sản tại một số đô thị lớn, Bộ Xây dựng cho biết đối với bất động sản nhà ở, qua thống kê cho thấy chưa có xu hướng giảm giá. Theo đó, giá bán căn hộ chung cư trên cả nước, đối với phân khúc trung cấp từ 20-35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu/m2 trở lên. Tại Hà Nội: giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu/m2.
Đối với nhà ở riêng lẻ giá ở Hà Nội tăng khoảng 0,03%. Theo Bộ Xây dựng, những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Ngược lại, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể.
Báo cáo Thủ tướng vụ hàng vạn căn hộ ở TP HCM bị “treo” sổ hồng
Đây là một trong những nội dung nổi cộm, vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản trình Thủ tướng Chính phủ.
Thống kê sơ bộ của HoREA có 63 dự án tại TP.HCM với hơn 30.000 căn hộ và officetel chậm cấp sổ hồng. Đáp lại những bức xúc của hàng chục ngàn hộ dân và doanh nghiệp, ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi lễ trao 1.000 “sổ hồng tượng trưng”, cho 16 dự án ngoài danh sách này. Tại buổi lễ, nhiều “thành tích” ấn tượng được chính Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nêu lên. Trong đó, nổi bật nhất là thông tin tính đến tháng 8/2020, thành phố đã cấp được hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận, đạt tỉ lệ hơn 97%.
Tuy nhiên, theo HoREA, con số hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận được cấp là cộng dồn từ năm 1993 đến nay. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp “sổ hồng” dự án nhà ở tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Vậy phải chăng ông Nguyễn Toàn Thắng cố tình nhận “nhầm” thành tích từ nhiều nhiệm kỳ trước, để che lấp sự trì trệ trong nhiệm kỳ ông làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường?
Được biết, trong số các dự án đang bị “treo” sổ hồng có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo định giá đất, nhưng không biết vì lý do gì mà Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn cố tình trì hoãn không cấp sổ hồng.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dự án được ưu ái cho tạm nộp tiền sử dụng đất (cơ chế đặc biệt này không được pháp luật quy định), nhưng sau nhiều năm, việc định giá đất lại bế tắc. Người dân mua nhà ở những dự án này không biết bao giờ mới nhận được sổ hồng.
Theo Reatimes, điển hình là dự án 1.330 căn hộ (New City), thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, được Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt “tạm nộp” tiền sử dụng đất chỉ 26 triệu/m2. Cơ chế này bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong là người đã mạnh dạn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bằng việc “tạm nộp” tiền sử dụng đất.
Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng dự án New City, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là trái quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
Nội dung kết luận của thanh tra nêu rõ, nhà đầu tư (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt) đã thay đổi dự án New City, từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại. Nhà đầu tư này đã chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ.
Dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ sai phạm tại dự án New City từ giữa năm 2019, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn việc dự án này tiếp tục rao bán kèm những rủi ro cho khách hàng. Việc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt chỉ là nhà thầu xây dựng tự mạo nhận chủ đầu tư, rồi ký Hợp đồng mua bán với khách hàng, đến nay vẫn chưa được công bố xử phạt.
Đề xuất cách tính thuế GTGT với chuyển nhượng BĐS
Bộ Tài chính đề xuất cách tính thuế GTGT với chuyển nhượng bất động sản. Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự thảo Thông tư hướng dẫn, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ giá đất (được trừ) để tính thuế GTGT.
Cụ thể, với trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT bao gồm: tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước (không kể tiền sử dụng đất được miễn, giảm) và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật.
Với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất của Nhà nước, giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất trúng đấu giá.
Còn với trường hợp thuê đất để đầu tư cơ sở hạ tầng cho thuê, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT là tiền thuê đất phải nộp ngân sách Nhà nước (không bao gồm tiền thuê đất được miễn, giảm) và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật. Riêng trường hợp thuê đất xây dựng nhà để bán kể từ ngày 1-7-2014 thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Dự thảo nêu rõ, đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có); cơ sở kinh doanh không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng đã tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế GTGT.
Nếu giá đất được trừ không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng thì cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng chưa tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế GTGT.
Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.