TP HCM yêu cầu công khai 108 dự án ‘treo’ bị hủy bỏ

UBND TPHCM cho biết, đã yêu cầu UBND các quận, huyện công bố công khai danh sách 108 dự án “treo” được điều chỉnh, hủy bỏ do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

108 dự án treo này có tổng diện tích hơn 473ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến 2018. Đây là những dự án không thuộc trường hợp có nghị quyết của HĐND TP HCM thông qua thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Trong đó, có các dự án có diện tích lớn như dự án khu nhà ở của Công ty CP Sài Gòn Gôn tại phường Long Trường (quận 9) với diện tích 158ha. Dự án này có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 nhưng đã 3 năm chưa thực hiện được, chủ đầu tư cũng không đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2019.

TP HCM công khai 108 dự án không thực hiện đúng kế hoạch

Một dự án khác là Khu phức hợp Đầm Sen rộng 5,46ha ở phường 3, quận 11 được duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015. UBND quận 11 đã có văn bản báo cáo những khó khăn vướng mắc của dự án này vào năm 2018. Cụm dự án liên quan khu đại học rộng hơn 240ha tại các xã An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long (huyện Bình Chánh) được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 được điều chỉnh, hủy bỏ các dự án riêng lẻ để gộp chung và đấu thầu chọn nhà đầu tư làm hạ tầng đồng bộ cho toàn khu vực.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, nguyên nhân khiến 108 dự án bị “treo” là theo quy định tại điểm a, điều 10, điều 11 của Nghị định 30/2015 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư): “Căn cứ lập danh mục dự án sử dụng đất là: ...Kế hoạch sử dụng đất hằng năm, danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt;... "để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư”. Đến nay, các khu đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư theo Luật Đấu thầu vẫn chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác.

Nguyên nhân khác là năm 2015, Luật Đầu tư công có hiệu lực nên UBND các quận huyện đăng ký các dự án đầu tư công vào kế hoạch sử dụng đất khi chỉ mới được ghi vốn chuẩn bị đầu tư để nghiên cứu lập dự án. Nhưng đến nay, một số dự án vẫn chưa được ghi vốn thực hiện do ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách trọng điểm nên không có khả năng thực hiện. 

Thường trực Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo về đầu tư công và thực hiện Nghị quyết 115/2020/QH14

Chiều 14/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị (Ảnh: Hanoimoi)

Trình bày báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đến nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã đạt được một số kết quả, thể hiện trên 8 nhóm nội dung.

Đáng chú ý, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố dự thảo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có bố trí nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng. Thành phố cũng dự kiến chuyển 8.000 tỷ đồng dư từ nguồn cải cách tiền lương bố trí đầu tư phát triển.

Nỗi khổ của người mua chung cư mini: Ở thì dở, bán cũng không xong

Chung cư mini xuất hiện khi Nghị định 71/2010 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) ra đời, bắt đầu cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ. Từ đó, chung cư mini mọc lên nhan nhản như "nấm sau mưa".

Tuy nhiên, cũng vì để tối đa hóa lợi nhuận mà rất nhiều công trình dạng này xây sai phép như xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép…Cũng chính vì việc xây dựng không đúng theo các quy định của pháp luật nên cho dù ra đời cả chục năm nay nhưng vẫn rất nhiều chung cư mini chưa được cấp "sổ đỏ".

Tình trạng chung cư mini phát triển ồ ạt, vượt quá khả năng quản kiểm soát của cơ quan chức năng đã diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Song, hiện nay cũng chưa có báo cáo về số lượng các chung cư mini trên địa bàn Thủ đô.

Kiểm tra, rà soát đối tượng mua nhà ở xã hội (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng xác nhận, thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ mà không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đó là tình trạng xây dựng không phép, xây sai phép, xây sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.

Theo Bộ Xây dựng, hiện một số địa phương xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, chia thành nhiều phòng như một căn hộ riêng biệt, không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Kiểu xây dựng này dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị.

Người mua những căn hộ này cũng không được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở do công trình vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc không thể cấp "sổ đỏ" cho chung cư mini xuất phát từ sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng. Đó là, xây dựng không phép, xây vượt số tầng, cơi nới diện tích, không hoàn thành nghĩa vụ cũng như chấp hành các quy định về xây dựng nhà chung cư mini…Việc quản lý lỏng lẻo loại hình nhà ở này đang khiến những khu vực trung tâm chịu sức ép nặng nề về cơ sở hạ tầng cũng như việc quản lý dân cư.

Vì thế, để tránh tình trạng xây dựng nhà ở bừa bãi như hiện nay, các cơ quan quản lý cần có biện pháp dứt khoát đối với những căn hộ bị liệt vào dạng "sai phép" do lỗi của chủ đầu tư. Nếu phạt cho tồn tại hoặc giải tỏa các tòa chung cư không phép, sai phép này thì cũng cần sớm có giải pháp cụ thể hơn.

Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về những nội dung liên quan. Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đặc biệt là đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...

Cùng với đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.

TPHCM - Kiểm tra, rà soát đối tượng mua nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM đã ban hành văn bản số 12941/ SXD-PTN &TT BĐS ngày 10/11/2020 về việc kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch BĐS, các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM. Dự kiến thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 05/12/2020.

Đồng thời, dự kiến trước ngày 15/12/2020, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND các quận/huyện nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp thông tin của đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và chế độ hậu kiểm để đảm bảo đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện theo đúng quy định.

Sở Xây dựng TPHCM sẽ phối hợp với các Sở ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra việc quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn TP

Sau khi tổng hợp danh sách các đối tượng được ký hợp đồng mua căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TP HCM sẽ làm việc với một số đối tượng này để làm rõ vấn đề các sàn giao dịch bất động sản lợi dụng việc dẫn dắt thông tin, tung nhiều chiêu trò lừa khách hàng tại nhiều dự án nhà ở xã hội, người dân phải mất tiền đi đêm mới được mua nhà ở xã hội; đồng thời sẽ báo cáo Bộ Xây dựng, UBND TPHCM về kết quả kiểm tra, xác minh.

Được biết trước đó, Kiểm toán Nhà nước có thông báo kết quả kiểm toán tại Sở Xây dựng TP.HCM và UBND TP.HCM đã phát hiện có trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở tại thời điểm được mua, thuê, thuê mua; người mua, thuê không đúng đối tượng theo quy định. Trong đó, có 1 trường hợp sinh viên được mua nhà ở xã hội, 1 trường hợp được mua 1 lúc 2 căn hộ nhà ở xã hội.

Nghịch lý giá thuê bất động sản lao dốc, giá bán leo thang

Sau hai đợt Covid-19, thị trường tài sản biến thiên ngược chiều nhau khi giá bán bất động sản tiếp đà tăng vọt còn giá thuê giảm mạnh.

Cụ thể, giá thuê nhà phố mặt tiền tại TP HCM hiện giảm 25 - 40% so với trước Covid-19. Giá thuê chung cư giảm 15 - 20% so với cuối năm 2019. Giá thuê các tài sản thương mại, văn phòng giảm 25 - 50% tùy vị trí và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh doanh ngắn hạn của khách thuê. Ghi nhận trong tháng 10-11/2020, nhiều tài sản vẫn duy trì đà giảm giá thuê tới cuối năm 2020.

Sau hai đợt Covid-19, thị trường tài sản biến thiên ngược chiều nhau khi giá bán bất động sản tiếp đà tăng vọt còn giá thuê giảm mạnh.

Điều đáng chú ý là giá chào bán các tài sản bao gồm nhà đất và chung cư vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt, mức tăng giá bất động sản liền thổ (biệt thự, nhà phố dự án) vẫn đạt 20-36% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nhà chung cư tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới ở cả khu trung tâm lẫn vùng ven TP HCM.

Nguồn cung bất động sản lộ rõ xu hướng điều chỉnh mạnh, đặc biệt nguồn cung nhà ở giảm khoảng 60%, do tác động của 2 yếu tố khách quan  và chủ quan đã kéo thanh khoản thị trường xuống thấp (giảm một nửa) được xem là diễn biến hợp lý.

Nghịch lý giá bán bất động sản tăng nhưng thanh khoản thấp và giá cho thuê giảm cho thấy dấu hiệu khó khăn cho thị trường mua bán bất động sản có thể còn kéo dài trong ít nhất đến quý II/2021.

Theo nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho rằng, giá bán và giá thuê tài sản có liên quan nhau nhưng lại chịu tác động bởi các yếu tố không giống nhau. Mặc dù giá thuê nhiều loại hình bất động sản khai thác tiêu dùng (cho thuê bán buôn, cho thuê nhà ở, cho thuê văn phòng) có xu hướng giảm mạnh suốt 3 quý đầu năm nhưng động thái này chưa có tác động đáng kể đến giá trị của tài sản.

Giá thuê phản ánh khả năng khai thác, phụ thuộc rất lớn vào khả năng chi trả của khách thuê và có thể thay đổi theo diễn biến của đại dịch. Trong khi đó, giá bán bất động sản phản ánh giá trị tài sản, phụ thuộc rất lớn vào vị trí và mức độ khan hiếm của sản phẩm cũng như chịu tác động bởi thị trường đầu tư tài sản hơn là khai thác tài sản.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới