Nhà ở xã hội (NƠXH) thiếu quỹ đất, nguồn cung, ngân sách

Hội Môi giới bất động sản cho biết, kể từ đầu quý I/2020 đến nay, TP HCM không xuất hiện dự án nhà giá rẻ và nhà ở xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn hỗ trợ và quỹ đất dành cho phân khúc này rất hạn chế. Trong tổng số 1.040 dự án nhà ở xã hội được triển khai, hiện mới có 248 dự án hoàn thành, 206 dự án với quy mô khoảng 168.700 căn hộ đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội nhưng nhiều nơi không phê duyệt quy hoạch dành 20% diện tích để xây nhà ở xã hội tại các dự án.

Ngoài ra, đối với dự án trên 10 ha, nếu chủ đầu tư không muốn làm nhà ở xã hội có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Do đó trên thực tế, đã có nhiều dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, thậm chí vài chục, vài trăm ha nhưng không dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong khu vực dự án do chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hoán đổi quỹ nhà ở dự án khác hoặc được quy đổi bằng tiền và được sử dụng quỹ đất này để kinh doanh nhà ở thương mại, hưởng lợi lớn.

Từ những phân tích trên, nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách nhà ở xã hội cần có những chế tài thích hợp để xử lý những đơn vị chưa tuân thủ theo luật định, nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thị trường BĐS dư thừa các sản phẩm nhà ở cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Về quỹ đất, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát, tổng hợp quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, đề xuất bố trí thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê, nhà ở sinh viên, nhà ở tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8% xuống khoảng 4%. Đồng thời sửa đổi, bổ sung ngay theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định 100/2015 về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trước đó, từ tháng 03/2020, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn chậm nên hầu hết các dự án đều thiếu vốn. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất sửa Luật nhà ở, gỡ vướng cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 101 năm 2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo hướng thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình xã hội hóa xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp tại nhiều đô thị hiện nay.

Về cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội theo Bộ Xây dựng cần lưu ý một số vấn đề như quy định hệ số bồi thường, tái định cư cho các hộ tầng 1 và từ tầng 2 trở lên áp dụng cho từng khu vực khác nhau.

Cùng với đó, TP Hà Nội cần quy định cụ thể phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân trong quá trình cải tạo chung cư cũ.

Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp quận trong thực hiện giải phóng mặt bằng dự án thay vì để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.

Bộ Xây dựng đề suất sửa Luật nhà ở, gỡ vướng cải tạo chung cư cũ

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố với một số đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù.

Cụ thể, Hà Nội đề xuất giao các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng và lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, TP sẽ hoàn trả chi phí nếu nhà đầu tư không được chọn, nhằm hấp dẫn sự vào cuộc của doanh nghiệp.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, dân số tại 4 quận nội thành thuộc khu vực nội đô lịch sử.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng chỉ một vài hộ dân không đồng ý dẫn đến dự án ách tắc nhiều năm, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị cho phép quy định tỷ lệ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp D (nhà nguy hiểm) nhất trí là được thực hiện cải tạo, xây dựng lại.

Hà Nội cũng đề xuất được phép chỉ định chủ đầu tư thực hiện hiện dự án nằm trong kế hoạch cải tạo theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp thực hiện dự án. Đồng thời đưa các chung cư hết niên hạn sử dụng vào kế hoạch cải tạo xây dựng chỉnh trang mỹ quan đô thị.

Trước đó, ngày 04/09, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị góp ý "Đề án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết hiện địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1990, phần lớn đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có đến gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.

Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần

Đánh giá chung về thị trường bất động sản nhà ở 9 tháng đầu năm 2020, Hội môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh: “Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến ty lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị lớn”. 

Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần.

Báo cáo của Hội môi giới cũng cho thấy, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ.

Mặc dù tiêu thụ chậm lại nhưng giá lại cao, thị trường chung cư Hà Nội được nhận định là “nhạy cảm” về giá. Một số nơi không phải nội đô như Mỹ Đình giá chung cư cũng khoảng 50-60 triệu đồng/m2. 

Thống kê từ chuyên gia CBRE cho thấy, giá bán chung cư trung bình trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội trong quý III/2020 đạt mức 1.325USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), giảm 4% so với cùng kỳ năm trước do tỷ trọng các dự án chung cư bình dân mở bán trong quý 3 cao hơn.

Trong quý III/2020, chỉ có các sản phẩm từ phân khúc trung cấp và bình dân mở bán với số lượng tương đối cân bằng, chiếm lần lượt 51% và 49% tổng số căn mở bán trong quý. Phần lớn các dự án mở bán trong quý 3 là các dự án nhỏ và vừa, và nằm ngoài đường vành đai 3.

Giá nhà chung cư ở thị trường sơ cấp, nghĩa là giá bán trực tiếp từ chủ đầu tư cho khách hàng vẫn ghi nhận tăng 6% theo năm trong quý III.

Về giá bán sẽ tiếp tục tăng nhẹ 1 - 2% so với quý trước. Nguyên nhân thứ nhất là do chi phí vốn của doanh nghiệp thời gian qua khá cao. Thứ hai là tỉ lệ hấp thụ của thị trường vẫn đang được ghi nhận khá tốt.


Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới