“Đến hẹn lại lên”, nắm được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn tìm cách tranh thủ trà trộn, đưa hàng ra lưu thông trên thị trường. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc đồng nghĩa với không có đơn vị kiểm soát về chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.

Không quá khó để có thể mua những loại hàng này ở trên các tuyến phố cổ Hà Nội. Chỉ cần dạo một vòng quanh các phố Hàng Giầy, Hàng Buồm, vào chợ Đồng Xuân… sẽ bắt gặp bạt ngàn những kẹo, mứt. Mới thấy người ghé vào hỏi mua, một chủ cửa hàng bán bánh mứt kẹo ở phố Hàng Buồm đã đon đả xúc nho khô trong túi ni lông to, không nhãn mác vừa cân cho khách vừa giới thiệu nho này có xuất xứ từ Ninh Thuận, nhưng giá chỉ 90.000 đồng/kg.

Và để giải thích việc không đóng túi sẵn, không nhãn mác, chủ cửa hàng này cho biết do cuối năm nhu cầu mua lẻ nhiều nên phải nhập hàng loại 10kg để chia nhỏ mới dễ bán.

Tiếp tục đi một số cửa hàng khác cũng được giới thiệu các mặt hàng đủ chủng loại với “xuất xứ” từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...

Chị T.T, một tiểu thương đã có kinh nghiệm kha khá trong việc nhập các mặt hàng như hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ cười, hạnh nhân… tại Gia Lâm, cho biết hầu hết hàng của chị đều nhập từ Trung Quốc. Hiếm hoi lắm có những đồ nhập từ Đà Lạt như kẹo dâu, chuối sấy. Hàng nhập không tính bằng kg, mà tính bằng tấn.

“Các mặt hàng đó được đóng trong các bao tải 30, 50kg. Sau đó về bán buôn cho những mối buôn. Họ mua từng bao tải và về mới xé lẻ, đóng gói và cho vào hộp với những nhãn mác khác nhau sau đó rải đến các cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng.” Chị T. cho biết.

Tiểu thương này cho biết, mặc dù dịch Covid-19 khiến việc hàng về có ảnh hưởng, nhưng không hoàn toàn là không có.

Cũng đồng ý kiến với tiểu thương T., chị M. một hộ buôn bán bánh kẹo trên đia bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, hầu hết nguồn kẹo mứt tại chợ là hàng Trung Quốc và Thái Lan. Mứt Việt chỉ quanh quẩn các loại: khoai, bí, chuối, dừa, gừng… Thái Lan thì chuyên về các loại mứt sấy dẻo như xoài, vỏ bưởi, mứt me, chanh, thơm, ổi. Các loại mứt khác như cherry, kiwi, cam, nho, đào, chà là, hồng, bí, khoai lang… đều là của Trung Quốc.

Việc sử dụng các thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc với chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, các chuyên gia về sức khỏe cảnh báo. Theo đó, chúng có thể sẽ không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay, nhưng về lâu dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà chúng ta ít ngờ tới.

Tác hại đầu tiên, các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng phẩm màu. Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao.

Cụ thể, các loại mứt để bảo quản được lâu thường được sử dụng các chất phụ gia thực phẩm như đường hóa học, phẩm màu… Khi ăn phải các loại mứt có chứa các phẩm màu độc hại này thì dễ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Ngoài ra, nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận, dạ dày và thậm chí là gây ung thư. Ngoài ra, các loại bánh mứt kẹo trôi nổi trên thị trường còn chưa được kiểm duyệt về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và không có một cơ quan nào kiểm soát.

Theo Pháp luật xã hội

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/banh-keo-khong-ro-nguon-goc-gay-tac-hai-rat-lon-den-suc-khoe-225328.html