Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, so với thời kỳ “đỉnh cao” hàng tồn năm 2013 thì con số này giảm mạnh chỉ còn trên dưới 20%. Tuy nhiên, điều thị trường lo ngại hiện nay là tốc độ giải quyết hàng tồn kho đã chậm lại đáng kể. So với giai đoạn 2013 - 2016, ghi nhận qua con số cập nhật của chính cơ quan này cho thấy, tốc độ giải quyết hàng tồn kho giai đoạn 2017 - 2018 giảm tới vài lần khi rất nhiều dự án vì nhiều lý do nên không thể thanh lý, chuyển nhượng được sang cho các đối tác mới để tiếp tục triển khai.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết: Những hàng tồn kho hiện nay nằm ở khu vực giá cao và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật không tốt. Phần nữa, do tín dụng của Việt Nam hiện nay đang thắt chặt và tác động đến tâm lý của người dân và cả chủ đầu tư, mặc dù hiện mới đang là dự thảo lấy ý kiến. Việc này về mặt vĩ mô là cần thiết, tuy nhiên thị trường hiện nay vẫn đang phát triển tốt, nhu cầu vẫn cao chứ không méo mó như nhiều nhận định. Méo mó hiện nay lại là ở góc độ chính sách và góc độ tín dụng từ ngân hàng.

Tồn đọng hàng hóa đang là nguy cơ tiềm ẩn của thị trường Bất động sản (Ảnh minh họa) Tồn đọng hàng hóa đang là nguy cơ tiềm ẩn của thị trường Bất động sản (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, con số 20.000 tỷ tồn kho đang là vấn đề để các nhà đầu tư BĐS “sống thực” với thị trường hơn. Việc tồn kho cũng có 2 mặt, thứ nhất đây là cơ sở để các chủ đầu tư (CĐT) tham chiếu đưa ra những sản phẩm thích hợp với thị trường và thứ 2 nó là bài học trả giá cho các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, không nghiên cứu thị trường.

Theo báo cáo, hiện cơ cấu hàng hoá BĐS, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lý giải, các doanh nghiệp vẫn cứ chạy theo nhau, theo kỳ vọng của mình chứ không theo thị trường. Họ thích xây dựng nhà ở cao cấp nên mới tạo ra tình trạng dư thừa như vậy. Còn nhà ở bình dân thì mức lợi nhuận thấp nên họ không muốn đầu tư. Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, các CĐT tự nhận sản phẩm mình là cao cấp rồi đưa ra mức giá bán cao, còn sản phẩm đó có cao cấp thật hay không thì lại là chuyện khác. Như thế thì làm sao phù hợp với nhu cầu của người dân được. Hy vọng và kỳ vọng là vô cùng nhưng quan trọng thị trường chỉ chấp nhận câu chuyện thực tế...

Các chuyên gia cho biết, dù là cao cấp hay bình dân, điều quan trọng nhất đó là phù hợp với nhu cầu của người dân. Không chỉ các CĐT, các nhà quản lý cũng phải rút kinh nghiệm là chúng ta chỉ duyệt dự án nào khả thi, vì hiện nay đang tồn tại thực trạng là cứ xin là cấp phép chứ không có định hướng. Đây cũng là bài học đối với các nhà quản lý cần nhìn xa hơn, sát sao với doanh nghiệp, chia sẻ với doanh nghiệp làm sao xây dựng những dự án cứ xây lên là bán được. Nếu không định hướng đúng thị trường sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Bởi BĐS cũng nằm trong cơ cấu nền kinh tế nên nó sẽ có những ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Việc tồn kho BĐS không được giải quyết cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn nợ xấu vẫn còn tồn đọng, hoạt động tín dụng, chứng khoán, xây dựng… cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.

Cũng theo các chuyên gia, vấn đề bây giờ là cần soát lại quy hoạch của nhà cao cấp và nhà ở bình dân để điều chỉnh cho phù hợp. BĐS Việt Nam vẫn đang phát triển nên không cần cầu toàn. Tuy nhiên, những gì có thể thay đổi được thì phải hoàn chỉnh về mặt thể chế để thị trường lành mạnh, đi đúng hướng và thỏa mãn được nhu cầu của người dân.

Theo congluan.vn