Nhiều cơ chế mới trong nửa đầu năm
Thị trường bất động sản sắp đi qua nửa chặng đường của năm 2025. Khác với nửa đầu năm 2024, khả năng hồi phục của thị trường còn khá mơ hồ, thì trong nửa đầu năm nay, thị trường đã đón nhận những tín hiệu rõ nét. Từ nguồn cung đến thanh khoản, tỷ lệ giao dịch và quan trọng hơn là niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể.
Có được những chuyển biến này là nhờ "làn sóng" chính sách tích cực từ Trung ương đến địa phương. Loạt cơ chế mới mang tính đột phá trong những tháng đầu năm 2025 không chỉ khơi thông nhiều điểm nghẽn pháp lý mà còn giải phóng niềm tin, mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản.
Nổi bật là Nghị định 75/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 171/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo Nghị định, nhà đầu tư được phép thỏa thuận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để làm dự án nhà thương mại. Giữa lúc hàng trăm dự án nhà ở đang bế tắc do không có đất ở thì quy định này được xem là tia hy vọng, giúp "cởi trói" hàng loạt dự án.
Được biết, UBND TP. Hà Nội mới đây đã thông báo chấp thuận cho chủ đầu tư 148 khu đất với quy mô hơn 840ha được triển khai thí điểm. Tại TP.HCM, tính đến trung tuần tháng 4 đã có 343 dự án nhà ở thương mại của hơn 300 doanh nghiệp với tổng diện tích đất lên đến 1.913ha đăng ký tham gia. Nhiều địa phương khác trên cả nước hiện cũng đang rà soát các dự án vướng mắc "nút thắt" đất ở để sớm thực hiện.
Cùng với Nghị định 75, Nghị định 76/2025 - quy định chi tiết Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội - cũng được Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Cơ chế xử lý theo nhóm dự án và theo địa bàn thay vì xét từng hồ sơ riêng lẻ, cùng nguyên tắc xác lập nghĩa vụ tài chính rõ ràng, được kỳ vọng sẽ giải phóng hàng loạt dự án bị chôn vốn nhiều năm.
Không chỉ đơn thuần là tháo gỡ pháp lý, Nghị định 76 còn được đánh giá là một hình thức hỗ trợ tài khóa gián tiếp. Việc xác lập quyền sở hữu, cấp sổ đỏ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ hơn, qua đó "bơm máu" cho thị trường vốn đang khát thanh khoản.
Trong nửa đầu năm 2025, bên cạnh Nghị định 75, Nghị định 76, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội cũng đang được Bộ Xây dựng dự thảo, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Với những đề xuất như thành lập quỹ nhà ở xã hội quốc gia, giao dự án không qua đấu thầu, nâng lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư… nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ tạo điều kiện để phân khúc này thực sự bứt phá, đáp ứng nhu cầu ở thực ngày càng lớn hiện nay.
Chờ cú hích nửa cuối năm
Nhiều chính sách mạnh mẽ được ban hành trong nửa đầu năm được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng rõ rệt từ nửa cuối năm 2025. Các chuyên gia cho rằng, cú hích từ thể chế sẽ là trợ lực quan trọng để thị trường bất động sản bật dậy mạnh mẽ, nhất là khi độ trễ của chính sách thường rơi vào khoảng 3 - 6 tháng sau khi ban hành.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với loạt cơ chế mới mang tính cởi mở hơn, hàng trăm dự án từng bị đình trệ do vướng mắc đất đai hoặc nghĩa vụ tài chính nay đã có cơ sở để tái khởi động. Đáng chú ý, Nghị định 75 với cơ chế cho phép chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận, nếu triển khai quyết liệt, sẽ mở đường cho nhiều dự án mới được khởi công, từ đó tạo thêm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực đang phát triển hạ tầng mạnh.
Bên cạnh yếu tố pháp lý, yếu tố tâm lý thị trường cũng đóng vai trò không nhỏ. Việc các dự án được triển khai trở lại, dòng tiền bắt đầu lưu thông, cùng với những tín hiệu ổn định từ chính sách tiền tệ -tài khóa sẽ giúp củng cố niềm tin từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp lẫn người dân. Khi niềm tin trở lại, thanh khoản được khơi thông, bất động sản có thể bước vào chu kỳ phục hồi bền vững hơn.
"Với loạt chính sách đã được thiết lập và sự chuẩn bị từ cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, nửa cuối năm 2025 sẽ là thời điểm thị trường thực sự "bật dậy". Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của hoạt động thi công, xây dựng và giao dịch, cũng như sự phục hồi rõ nét của niềm tin thị trường trong nửa cuối năm nay", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Hàng loạt chính sách mới được ban hành trong nửa đầu năm 2025 đang tiếp thêm lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2025 nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn so với nửa đầu năm, nhờ những cơ chế mới đã được ban hành.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả và giải quyết được "điểm nghẽn" của thị trường, khâu tổ chức thực hiện các luật và nghị quyết cần đảm bảo tính dễ hiểu, khả thi, nhất quán và ổn định. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan, kịp thời giải quyết vướng mắc, can thiệp thị trường khi cần thiết và có chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm.
TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng, những nỗ lực từ phía Nhà nước là chưa đủ. Trong bối cảnh năm 2025 mở ra nhiều cơ hội đan xen thách thức, các doanh nghiệp bất động sản hơn bao giờ hết cần chuẩn bị một "tâm thế mới, vận hội mới" - sẵn sàng đón nhận chuyển biến, đổi mới sáng tạo và ứng phó linh hoạt với mọi thay đổi của thị trường, nhằm duy trì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
"Một "tâm thế mới" là một tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt. "Vận hội mới" không tự nhiên gõ cửa, mà đòi hỏi sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng, phân tích thị trường một cách sâu sắc và đưa ra những quyết sách táo bạo, phù hợp với tình hình thực tế", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh./.
Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-nong-may-voi-loat-co-che-moi-cho-cu-hich-nua-cuoi-nam-202250517170017956.htm