Mặc dù “đi sau” nhưng Thanh Hóa đang được dự báo là một trong số ít địa phương có thị trường bất động sản phát triển sôi động nhất cả nước trong bối cảnh mới. Với những tiềm năng và thế mạnh đang được đẩy mạnh khai thác, Thanh Hoá từng bước khẳng định vị thế là một đầu tàu phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và là một trong những cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, hấp lực xứ Thanh cũng ngày càng rõ nét khi chứng kiến hàng loạt ông lớn địa ốc đổ bộ, bung hàng. Giới đầu tư sẵn sàng xuống tiền cùng nhiều giao dịch thành công được ghi nhận.
Để hiểu thêm về tiềm năng, xu hướng và cơ hội đầu tư tại thị trường bất động sản Thanh Hoá, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
PV: Thưa ông, Thanh Hoá đang được nhắc đến là một trong những tỉnh ở Bắc Trung Bộ đang hấp dẫn dòng tiền bởi sự xuất hiện của các "đại bàng" và nhà đầu tư lớn. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng bất động sản cũng như tốc độ phát triển của thị trường Thanh Hoá trong thời gian qua?
TS. Nguyễn Văn Đính: Tỉnh Thanh Hoá nằm ở cửa ngõ nối Bắc Trung Bộ và miền Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam. Đây là một tỉnh lớn với dân số đứng thứ 3 và diện tích lớn thứ 5 cả nước. Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, Thanh Hoá được kỳ vọng sẽ là cực thứ tư trong “tứ giác phát triển” của phía Bắc.
Cụ thể, Thanh Hóa cũng không kém cạnh Quảng Ninh, Phú Quốc về các bãi biển đẹp, danh lam thắng cảnh cùng với những di tích lịch sử nổi tiếng.
Thanh Hoá còn có hệ thống giao thông đường biển, đường sắt lẫn Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ kích cầu phát triển kinh tế và hạ tầng trong thời gian tới. Hiện nay, khu kinh tế Nghi Sơn đã được chọn là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia với nhiều cơ chế ưu đãi để phát triển cảng biển, sân bay… Trong tương lai, dòng tiền nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đổ về tỉnh Thanh Hóa sẽ ngày càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa có diện tích lớn cùng dân số vào khoảng 3,6 triệu người nên nhu cầu về bất động sản trong thời gian tới sẽ tăng cao.
Thời gian qua, Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng trên thị trường bất động sản. Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện giá đất tại nhiều khu vực ở Thanh Hoá tăng khoảng 40 - 50% so với cuối năm 2020. Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa dao động ở ngưỡng 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Giá bất động sản Thanh Hóa tăng nhờ tác động lớn từ sức bật kinh tế, hạ tầng giao thông, đà bứt phá du lịch mạnh mẽ, cũng như việc Thanh Hóa đang thu hút dòng vốn đầu tư lớn. Tầm nhìn, định hướng phát triển của chính quyền địa phương, cùng nội lực nền kinh tế và những tiềm năng sẵn có đã kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản.
PV: Theo ông, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Thanh Hóa đã đạt được những dấu ấn điển hình nào trong quá trình định hình phát triển thị trường bất động sản?
TS. Nguyễn Văn Đính: Có thể nói, Thanh Hóa là một trong số các tỉnh, thành đang được xem là còn nhiều tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư tìm đến để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển đô thị khi quỹ đất ở các thành phố lớn như Hà Nội đang dần thu hẹp.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều thương hiệu bất động sản lớn như: Vingroup, Sun Group, Eurowindow, BRG,... gần như quy tụ đầy đủ về vùng đất này đã tạo diện mạo đô thị mới và thị trường bất động sản thực sự sôi động. Bên cạnh đó, các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh khiến bất động sản tại Thanh Hóa đang dần phát huy dư địa tăng trưởng.
Đặc biệt, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có sự phát triển nhảy vọt về chất nhờ sự xuất hiện của các đại đô thị, gồm: Khu đô thị Vinhome Starcity (quy mô khoảng 148ha, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng đang chuẩn bị hoàn thành), siêu dự án của Sun Group tại Sầm Sơn (hơn 1.200ha, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD), Sun Beauty Onsen (quy mô 100ha, trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng), Flamingo Hoằng Hóa (khoảng 1.300ha đang triển khai giai đoạn đầu)…
Chúng tôi ghi nhận, thị trường bất động sản Thanh Hóa có 3 phân khúc được định hình rõ ràng gồm đô thị, du lịch, khu công nghiệp. Đây cũng là 3 phân khúc đang được quan tâm, đầu tư và tăng trưởng mạnh.
Thứ nhất là bất động sản đô thị, với khoảng hơn 3,6 triệu dân, nhu cầu nhà ở không tăng trưởng nhiều nhưng do tăng trưởng kinh tế nên thu nhập tăng mạnh dẫn đến nhu cầu nhà ở chất lượng tại các khu đô thị du lịch, công nghiệp như Nghi Sơn, Sầm Sơn tăng lên. Hiện trạng, giao dịch bất động sản đô thị cũng đang được đẩy mạnh ở khu vực TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn, còn Nghi Sơn cũng bắt đầu tăng trưởng nhưng chưa mạnh bằng 2 khu vực kia. Đáng chú ý là đất nền khu đô thị hoàn thiện tại thành phố và các thị trấn huyện, căn hộ chung cư, đang hết sức sôi động.
Thứ hai, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ không chỉ tập trung tại TP. Sầm Sơn như trước, mà rải đều tại các khu vực TP. Thanh Hoá, Hải Tiến, Pù Luông, Quảng Xương, Hoằng Hóa… với đa dạng các sản phẩm như shophouse đô thị ven biển, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng…
Thứ ba, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh có quy mô bất động sản công nghiệp lớn nhất tại miền Trung với thị phần đạt 19% (tương đương khoảng 12.000ha) đất quy hoạch.
Thời gian vừa qua, địa phương này đã thu hút rất nhiều tập đoàn lớn tìm đến phát triển các dự án khu công nghiệp tỷ đô. Đơn cử như Tập đoàn Foxconn Việt Nam với đề xuất đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Thanh Hóa với quy mô khoảng 150ha. Công ty WHA Industrial Development PLC ( Thái Lan) cũng nghiên cứu 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại thị xã Nghi Sơn và huyện Hoằng Hoá với tổng chi phí khoảng 335 triệu USD.
Với kết quả đạt được, tôi tin rằng, Thanh Hoá sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản công nghiệp trong tương lai gần.
Là một địa phương mới nổi, Thanh Hoá đã và đang thu hút được những doanh nghiệp “đầu đàn” về dựng xây, giúp cho chân dung, diện mạo đô thị Thanh Hoá ngày càng đổi thay theo hướng đẳng cấp hơn.
PV: Thực tế ghi nhận, hàng loạt tập đoàn như Vingroup, Sun Group, Flamingo, Eurowindow Holding… đã có mặt ở xứ Thanh với hàng loạt dự án quy mô lớn, đa dạng loại hình - danh mục đầu tư cùng nguồn cung dồi dào… mang đến một diện mạo và tầm vóc hoàn toàn mới cho thị trường bất động sản Thanh Hoá. Ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như sự đầu tư của các tập đoàn này?
TS. Nguyễn Văn Đính: Là một địa phương mới nổi, Thanh Hoá đã và đang thu hút được những doanh nghiệp “đầu đàn” về dựng xây, giúp cho chân dung, diện mạo đô thị Thanh Hoá ngày càng đổi thay theo hướng đẳng cấp hơn.
Tôi không phủ định vai trò to lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để thay đổi chân dung và phát triển địa phương sẽ cần những tập đoàn lớn. Doanh nghiệp “đầu tàu” đã tạo ra diện mạo mới, đặc biệt tạo ra giá trị giúp hệ thống hạ tầng, kinh tế phát triển nhanh, biến những vùng đất hoang sơ thành những khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sầm uất.
Các doanh nghiệp lớn “đi trước mở đường” cho bất động sản Thanh Hoá còn tạo ra dư địa, lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp đến gia nhập thị trường trong tương lai. Nhà đầu tư lớn tham gia thì không có lý do gì nhà đầu tư vừa và nhỏ lại không tham gia vào thị trường này. Các nhà đầu tư hiểu rằng, nếu không nhanh chân họ sẽ mất cơ hội cũng như thị phần của mình tại một thị trường trẻ, năng động và đang trên đà phát triển như Thanh Hoá.
Có thể khẳng định, những doanh nghiệp lớn không khác gì những con “đại bàng”, sẽ giúp bất động sản Thanh Hóa “cất cánh”.
PV: Thưa ông, như những gì ông đã phân tích có thể thấy thị trường bất động sản Thanh Hoá đang đặt mình trong một cuộc đua rất lớn không chỉ với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ mà còn cả với các địa phương khác trên cả nước. Vậy theo ông, tỉnh sẽ cần có những định hướng và thay đổi ra sao để thị trường bất động sản có thể chiến thắng trong thu hút nhiều đầu tư để bất động sản nói riêng, kinh tế địa phương "thăng hoa" hơn?
TS. Nguyễn Văn Đính: Thanh Hóa trong tương lai sẽ là một trung tâm kinh tế sầm uất không chỉ ở Bắc Trung Bộ mà của cả đất nước với 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Bởi vậy, từ lâu Thanh Hoá đã "trải chiếu hoa" đón nhà đầu tư. Tuy nhiên, địa phương này cần đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư hơn nữa. Qua làm việc với các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục, đền bù giải phóng mặt bằng. Một số doanh nghiệp còn cho rằng tỉnh Thanh Hoá chỉ chào đón các nhà đầu tư lớn chứ chưa mặn mà với những doanh nghiệp nhỏ.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có nhiều bãi biển đẹp, một số doanh nghiệp địa phương đã được giao đất nhưng mãi chưa thể triển khai. Một số nhà đầu tư ngoại tỉnh vào Thanh Hóa muốn mua bán sáp nhập dự án nhưng gặp không ít trở ngại. Tại một số khu đô thị, việc giao nhiều đất cho một số ít chủ đầu tư dẫn đến thiếu đa dạng và mất đi cơ hội cho doanh nghiệp còn lại.
Chính vì vậy, tôi cho rằng để thu hút hệ sinh thái từ các doanh nghiệp bất động sản lớn và nhỏ, tỉnh Thanh Hóa nên mở rộng chào đón và tạo điều kiện để các nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh, hướng đến phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chính quyền và các ban ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần chú ý trong công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản. Các dự án sau đấu giá phải yêu cầu doanh nghiệp triển khai sớm nhằm tạo ra sản phẩm cho thị trường chứ không "ôm đất", chờ cơ hội. Hơn hết là cần sự quan tâm của Nhà nước trong công tác đấu giá, đấu thầu để tránh ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển của địa phương.
PV: Ông có dự báo như thế nào về các xu hướng sẽ xuất hiện tại thị trường bất động sản Thanh Hóa trong thời gian tới. "Khẩu vị" của các nhà đầu tư sẽ có chuyển biến ra sao?
Ông Nguyễn Văn Đính: Hiện tại chính là "thời cơ ngàn vàng" để các nhà đầu tư đổ vốn vào Thanh Hóa. Bởi địa phương này còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, doanh nghiệp có thể thỏa sức chọn lựa. Thêm vào đó, nhiều chính sách ưu đãi về thời hạn thuê đất, giảm nhiều loại thuế, phí hấp dẫn; hạ tầng kết nối nội tỉnh và liên vùng cũng sẽ hoàn thiện sớm cả đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay cũng là những động lực lớn để địa phương này tiếp tục thu hút đầu tư.
Bất động sản Thanh Hoá đang đứng trước cơ hội tỏa sáng ở nhiều phân khúc. Trong đó, những dự án khu đô thị với quy hoạch đồng bộ, bài bản, vị trí giao thông thuận lợi hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn sôi động hơn nữa khi các chính sách thu hút đầu tư tại nhiều tỉnh được đẩy mạnh, cộng với sự thay đổi của cơ sở hạ tầng cũng như sự tăng tốc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án quy mô lớn.
Theo đà phát triển, khi đất dành cho bất động sản công nghiệp ở các tỉnh thành khu vực xung quanh Hà Nội ngày càng "chật chội" và giá có xu hướng tăng cao, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những tỉnh thành xa hơn và Thanh Hóa là lựa chọn phù hợp.
Trong vài năm tới, tôi tin rằng bất động sản Thanh Hoá sẽ theo kịp các thị trường lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và dần bứt phá trên tất cả các phân khúc từ bất động sản công nghiệp, du lịch và đô thị trong dài hạn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-thanh-hoatiem-nang-xu-huong-va-co-hoi-dau-tu-20201224000016718.html