Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa giải đáp các thắc mắc trên. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vừa rồi Bộ Công Thương đã có quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015. Bình quân đợt điều chỉnh này tăng 7,5% so với biểu giá cũ nhưng theo cơ cấu của từng nhóm khách hàng thì mức độ tăng có khác nhau.
Đối với điện sinh hoạt thì bậc thang thấp nhất tăng 6,9%, tức là dưới mức trung bình. Đối với những bậc sau thì tăng cao hơn.
Mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn.
"Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn. Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng.
Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng. Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả" - ông Tri nói.
Trước câu hỏi: Ở các nước, mặt hàng tiêu dùng càng nhiều thì giá càng rẻ. Với mặt hàng điện của Việt Nam thì ngược lại. Vậy sắp tới cách tính giá điện có xem xét thay đổi tình trạng này?
Ông Đinh Quang Tri cho rằng: "Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức và về nguyên tắc của Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới khi điều độ sẽ điều độ theo giá trị kinh tế. Có nghĩa là chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện rẻ trước, nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau.
Ví dụ như trong hệ thống điện Việt Nam thì ở mức độ nhất định chúng ta sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện đắt tiền hơn, thậm chí trong một số thời điểm chúng ta phải huy động đến cả nhà máy điện chạy dầu nếu như trong hệ thống thiếu nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào".
Ông Đinh Quang Tri dẫn ra ví dụ: Theo thông lệ về biểu giá thì các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Ví dụ ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, các nước ở trong khối ASEAN. Hiện nay chúng ta có 10 nước trong ASEAN thì cả 10 nước đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Và các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Hông Công thì cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này.
"Như vậy chúng ta đánh giá chung là việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Biểu giá này cũng được thiết kế đối với hộ sinh hoạt theo biểu giá lũy tiến tăng dần để làm sao vừa khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời cơ cấu biểu giá hết sức phù hợp theo thực tế sử dụng điện sinh hoạt. Ví dụ, theo thống kê, ở Việt Nam, năm 2014, số hộ sử dụng điện dưới 100kWh dưới 45% thì chúng ta cũng đã thiết kế biểu giá điện phù hợp.
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay thì chúng tôi đánh giá là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc" - đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam phân tích.
"Vừa qua chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng, của một số nhà khoa học và cơ quan báo chí. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam" - ông Đinh Quang Tri khẳng định./.