Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.
Trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT đề xuất phân loại phương tiện kinh doanh vận tải hành khách gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới.
Theo đó, loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi. Như vậy, tất cả các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek... sẽ được gộp chung thành taxi truyền thống.
Theo Bộ GTVT, việc cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu 2 điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng. Việc đưa 2 loại hình này về cùng một điều kiện kinh doanh được kỳ vọng sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường.
Trước đây, taxi công nghệ không phải chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe và phải niêm yết giá như taxi.
Trước đó, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10 của Chính phủ ban hành năm 2020 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.
Nghị định 10 cho phép taxi và "taxi công nghệ" được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nghị định này cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe, niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-gtvt-muon-bien-grab-gojek-thanh-taxi--20201231000005990.html