Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Yêu cầu các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Địa phương bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám, chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các khu công nghiệp bắt buộc phải có Nhà ở công nhân
Bộ Xây dựng chỉ đạo các khu công nghiệp bắt buộc phải có Nhà ở công nhân (Ảnh: Internet)

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh từng cho biết, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ; tham gia phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng đó, Bộ Xây dựng đã ban Quyết định số 131/QĐ-BXD về thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà công nhân khu công nghiệp…

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt mục tiêu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ một số tồn tại, vướng mắc; trong đó có việc thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ mới đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020. Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại cũng chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.

Chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Cùng đó, nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5 và hàng năm theo quy định.

Theo đó, nhằm khắc phục tồn tại, khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển quỹ nhà ở này. Phát triển nhà ở xã hội đã giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp. Mặc dù còn vướng mắc nhưng chính sách về nhà ở xã hội đã hỗ trợ nhiều đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở; trong đó có công nhân khu công nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn cả nước đã có 513 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 16.160.000 m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 msàn, đạt tỷ lệ 41,7% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000 m2 sàn nhà ở.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cac-khu-cong-nghiep-bat-buoc-phai-co-nha-o-cong-nhan-20201231000003728.html