Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng việc tập huấn giáo dục Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông lần này và coi đây là điểm nhấn của năm học 2019-2020. Mục tiêu của đợt tập huấn là nâng cao nhận thức và năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông về giáo dục Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với mục tiêu là khối lượng kiến thức học sinh nắm bắt được nên giáo viên của chương trình hiện hành đang chú trọng truyền thụ kiến thức mà ít quan tâm kiến thức đó có khả năng vận dụng để giải quyết những vấn đề gì trong cuộc sống. Phương pháp dạy học này cùng với việc một số thầy cô chưa thực sự tâm huyết và chương trình - sách giáo khoa Lịch sử nặng về kiến thức, bắt học sinh ghi nhớ quá nhiều dữ liệu, số liệu… nên không hấp dẫn được người học.

Đổi mới phương pháp dạy học nhằm khơi gợi niềm yêu thích học tập môn Lịch sử trong mỗi học sinh là yêu cầu bức thiết. Ảnh: T.F

Cách dạy học truyền thụ kiến thức không khuyến khích được sự ham thích học tập và động lực học tập của học sinh nên việc chuyển sang dạy học tiếp cận năng lực là cần thiết. Dạy học phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh vẫn dựa trên nền tảng hiểu biết về kiến thức nhưng không dùng khối lượng kiến thức làm thước đo kết quả mà hướng tới mục tiêu là giúp học sinh biết dùng kiến thức đã được học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

“Các thầy cô giáo do đó cần đổi mới phương pháp dạy học nhằm khơi gợi niềm yêu thích học tập môn Lịch sử trong mỗi học sinh, giúp các em thấy rằng môn học này quan trọng và có hữu ích như thế nào trong cuộc sống thực tế của chính các em để từ đó, học sinh hình thành nhu cầu tự học và góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Bộ GD&ĐT mong muốn qua đợt tập huấn này, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giáo dục Lịch sử cũng như việc đổi mới phương pháp dạy học môn học này. Các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục tham dự tập huấn đồng thời sẽ là những hạt nhân lan tỏa tinh thần trên và nhân rộng các phương pháp dạy học tích cực để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử chung cho cả nước.

Nội dung chương trình bồi dưỡng chú trọng việc hướng dẫn phát triển nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Đồng thời, chương trình giới thiệu chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng dẫn giáo viên thực hiện các chương trình môn Lịch sử và Địa lý (cấp tiểu học), môn Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), môn Lịch sử (cấp THPT) trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Pháp luật & Xã hội