Mỹ tục “đạp đất” đầu năm mới

Với ngày đầu tiên trong năm còn gọi là Nguyên Đán, Tết đã có một ý nghĩa đặc biệt trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ đều có ảnh hưởng trọn năm. Sự xông đất, xuất hành, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn ngôn cẩn trọng.

Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm (âm lịch), bước vào những giờ phút đầu tiên của năm mới người Việt Nam từ xưa rất coi trọng tục “xông đất đầu năm”.

Xông đất đầu năm mới là tập tục lâu đời trong văn hóa của người Việt.

Xông đất đầu năm mới là tập tục lâu đời trong văn hóa của người Việt.

Theo Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam cho biết, xông nhà đầu năm là nét văn hóa truyền thống của người Việt có từ lâu đời. “Tương tự ý nghĩa của việc xuất hành, người Việt quan niệm đầu năm là sự khởi hành và mong muốn có được những điều tốt đẹp nhất ngay từ đầu năm mới. Cũng bởi vậy, việc xông nhà rất được coi trọng", giáo sư Hoàng Chương cho biết.

Theo quan điểm trên, “xông đất đầu năm” là mỹ tục đẹp có từ rất xa xưa, được truyền qua nhiều thế hệ. Mỹ tục thể hiện khát vọng muôn đời của nhân dân ta khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc!

Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Người khách đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mùng 1 (vì muốn là người khách đầu tiên), mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà.

Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

Chọn người xông đất đầu năm

Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình.

Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, gia cảnh khấm khá, hòa thuận.

Ở một số vùng miền, một số gia đình có quan niệm cổ hủ cho rằng con gái, đàn bà đến xông đất đầu năm thường đem lại sự xui xẻo cho gia chủ. Cũng vì thế mà người phụ nữ thường e ngại tới thăm hỏi anh em, họ hàng vào sáng sớm mùng 1 Tết.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng tân tiến, hiện đại, bình đẳng hơn thì quan niệm “trọng nam khinh nữ” cổ hủ, lạc hậu đó dần dần bị xóa bỏ.

Theo Giáo sư Hoàng Chương: “Ngày nay, người ta thường có xu hướng chọn những người hợp tuổi bất kể đàn ông, đàn bà, trai, gái. Tiếp đến là những người có tính cách hiền lành tử tế, đỗ đạt, thành công để vào xông nhà”.

Dưới góc độ phong thủy, chuyên gia Tuấn Kiệt – Công ty cổ phần Phong thủy Việt Nam nhấn mạnh: “Người xông đất tương sinh với gia chủ thì sẽ giúp gia chủ thịnh vượng hơn trong năm mới”.

Cũng theo chuyên gia Tuấn Kiệt: “Hãy chọn người thân quen đến chúc Tết, chúc sức khỏe mình bằng tấm lòng chân thật. Đầu năm, mọi người cũng nên làm những việc tốt lành để chiêu cảm được phúc đức như làm từ thiện, trồng cây, cúng giường...; tránh những việc tổn hại nguyên khí như sát sinh, vui chơi quá mức, cờ bạc...”

Kinh nghiệm cho hay rằng: Những ai xởi lởi, thật thà, hồn nhiên, làm ăn phát đạt, con cái đông đủ (có trai, có gái), mặt mũi sáng sủa, thân hình đầy dặn, không có tang thì sẽ là người tốt “duyên”, tốt “vía”, đem lại nhiều may mắn trong năm mới cho gia chủ. 

Ngoài ra, bên cạnh những gia đình luôn luôn lựa chọn cẩn thận người xông đất từ trước Tết thì vẫn có nhiều người luôn muốn việc xông đất diễn ra một cách tự nhiên. 

Tức là trước đêm giao thừa, họ không hề nhờ ai, không lựa chọn người xông đất. Họ quan niệm, đã là may mắn thì phải đến tự nhiên, không sắp đặt. 

Theo thời gian, sự đổi thay phát triển của cuộc sống, nhiều phong tục cũng có sự thay đổi theo hướng phù hợp hơn với xã hội; tuy nhiên mỹ tục “đạp đất” vẫn được nhân dân ta coi trọng, nhưng đã có sự nhẹ nhàng hơn, không còn nặng nề chuyện may rủi, hậu vận như trước kia.

Cả chủ và khách coi mỹ tục “xông đất” như một thứ “lộc trời” cho một năm mới với nhiều hy vọng, và cả sự hướng tới tương lai.

Theo Lương Đức Hiển/Đô thị mới